MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung tâm thương mại truyền thống đang mất dần khách thuê

Thu Giang LDO | 05/03/2023 11:22

Dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng nhiều trung tâm thương mại truyền thống tại Hà Nội, TPHCM đang mất dần lợi thế khi ngày càng nhiều trung tâm thương mại mới, hiện đại mọc lên.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, sau dịp Tết Nguyên đán 2023, nhiều trung tâm thương mại truyền thống tại Hà Nội và TPHCM đang rơi vào cảnh buôn bán ảm đạm, một số thương hiệu quốc tế lớn tại đây đã dần đóng cửa hoặc di dời cửa hàng.

Nhiều trung tâm thương mại truyền thống tại Hà Nội, TPHCM đang mất dần lợi thế. Ảnh: Thu Giang  

Chị Hà Trang (SN 1990, sinh sống ở quận Hà Đông) chia sẻ, ngày trước, gần như tuần nào chị cũng ghé qua trung tâm thương mại Big C Hồ Gươm trên đường Trần Phú cho con đi mua sắm. Nhưng kể từ khi sau dịch COVID-19, trung tâm thương mại ở đây rất vắng khách và rất ít dịch vụ, thậm chí một số nhãn hàng thời trang, thực phẩm lớn cũng dần rời đi nên gia đình chị đã chuyển hướng đến địa điểm khác để trải nghiệm. 

Trung tâm thương mại (quận Thanh Xuân, Hà Nội) liên tục treo biển cho thuê khi nhiều nhãn hàng tại đây đã đồng loạt rời bỏ. Ảnh: Thu Giang

Tương tự, nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm thương mại Atemis Shopping Centre (đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) cũng đang rơi vào cảnh ế ẩm khách thuê. Suốt 1 năm nay, trung tâm thương mại này đã liên tục phải treo biển cho thuê mặt bằng, văn phòng khi nhiều nhãn hàng tại đây đã đồng loạt rời bỏ sau dịch COVID-19. 

Thông tin nhiều nhãn hàng gần đây đã bỏ thuê kiot, rút khỏi toà nhà Bitexco (quận 1, TPHCM) cũng khiến nhiều nhà phát triển, kinh doanh bất động sản bán lẻ đặc biệt quan tâm. 

Ông Võ Hoàng Quân - Giám đốc Công ty bất động sản Center Land - xác nhận, các khách thuê bán lẻ thuộc khối thương mại của tòa tháp Bitexco đã bắt đầu rút đi từ cuối năm 2022. Đến tháng 2.2023, việc khách thuê rút khỏi tòa nhà diễn ra rầm rộ hơn. Hiện các mặt bằng bán lẻ tại tòa tháp này đều ghi nhận khách thuê hoàn tất trả mặt bằng trong khi khối văn phòng tỉ lệ lấp đầy vẫn cao.

Ông Quân cũng chỉ ra nguyên nhân sau dịch COVID-19, người tiêu dùng đã giảm nhu cầu, trải nghiệm mua sắm của họ cũng thay đổi, khách thuê tại đây đã phải cân đối hiệu quả kinh doanh với chi phí thuê mặt bằng.

Loạt kiot tại trung tâm thương mại gần sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TPHCM) gần đây cũng liên tục bỏ trống, vắng khách thuê. Ảnh: Thu Giang

Trong khi một số trung tâm thương mại mới đang mọc lên với mức giá cho thuê hợp lý, nhiều chuyên gia bất động sản cũng định hướng để thoát khỏi sức ép nêu trên, các trung tâm thương mại truyền thống cần phải có kế hoạch nâng cấp, cải tạo để bắt nhịp xu hướng và đem lại những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Retail Solutions - cũng nhận định, mô hình bán lẻ sẽ đi theo nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay nhu cầu người tiêu dùng cần những nơi có sự đa dạng hơn cả về sản phẩm và dịch vụ. Do đó các mô hình nhỏ sẽ gặp khó khăn vì không thể nào đa dạng được dịch vụ, tiện ích.

Bà Trang Lê - Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và Tư vấn, JLL Việt Nam - nhìn nhận, trung tâm thương mại không chỉ là nơi tập trung tất cả các ngành hàng, mà phải cân nhắc, biến thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng, một cánh tay nối dài.

Theo bà Trang, người tiêu dùng đến đây họ có thể quyết định mua ở trung tâm thương mại nhưng đơn hàng phải được giao về nhà. Hoặc trường hợp người tiêu dùng đã chốt đơn online nhưng phải làm sao đó liên kết được với trải nghiệm hiện có của họ trong trung tâm thương mại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn