MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường cao tốc mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Xuyên Đông

Trường hợp sẽ phải “đóng cửa” đường cao tốc

Xuyên Đông LDO | 02/10/2023 12:49

Hiện nay cả nước có trên 1800 km đường cao tốc. Theo đó, dự thảo Luật Đường bộ có nhiều quy định về loại đường này.

Điều 55 dự thảo Luật Đường bộ quy định về tạm dừng khai thác đường cao tốc như sau:

Tạm dừng khai thác đường cao tốc là trường hợp tạm không cho phương tiện tham gia giao thông trên một chiều, hai chiều, một đoạn hoặc cả tuyến đường cao tốc, trừ các phương tiện làm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông.

Các trường hợp đường cao tốc phải tạm dừng khai thác gồm:

Công trình bị hư hỏng do xảy ra sự cố công trình, do hậu quả của thiên tai không thể khai thác, sử dụng an toàn;

Khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm dừng khai thác để phục vụ cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn giao thông;

Khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các trường hợp đặc biệt khác.

Theo đó, khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng, thì người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm:

Kịp thời dừng sử dụng đường cao tốc, trong thời hạn không quá 60 phút kể từ thời điểm dừng phải thông báo cho người có thẩm quyền về nguyên nhân phải tạm dừng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

Thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông, tài sản khác; thực hiện các công việc để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình;

Bảo vệ hiện trường; tham gia cứu nạn, cứu hộ, giải quyết ùn tắc giao thông;

Thông báo cho Cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ, Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, chính quyền địa phương.

Dự thảo Luật đường bộ cũng quy định, khi tạm dừng khai thác sử dụng đường cao tốc phải thực hiện các công việc sau:

Người quản lý sử dụng đường cao tốc, đơn vị khai thác, bảo trì phải khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông, điều chỉnh giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông; sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại trên đường cao tốc, tuyến đường khác sử dụng để điều tiết giao thông; điều chỉnh, bổ sung các công trình báo hiệu đường bộ và các công trình khác phục vụ bảo đảm giao thông; tham gia hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông; phối hợp với Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương trong việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc.

Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông.

Chính quyền địa phương phối hợp thực hiện bảo đảm giao thông khi cần điều tiết các phương tiện tham gia giao thông đường cao tốc sang đường do địa phương quản lý.

Công tác cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định và quy định của Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Khắc phục sự cố công trình, khắc phục hư hỏng công trình bảo đảm an toàn trong khai thác sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cháy, nổ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Sau khi hoàn thành việc tổ chức lại giao thông, hoàn thành cứu nạn, điều tra sự cố, người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại để đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn