MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đất trồng cà phê nhưng được tách thành nhiều lô, mở rộng đường để dụ dỗ, chào bán cho khách hàng. Ảnh T.T

Tự làm đường, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp ở Pleiku

THANH TUẤN LDO | 27/07/2022 16:33

Gia Lai – Công ty bất động sản đã tự ý làm đường trên đất nông nghiệp, sau đó “tung quân” đi quảng cáo, dụ dỗ khách hàng.

Nhiều chiêu dụ khách

Tình trạng “sốt đất” tại Gia Lai đã tạm lắng xuống hơn 3 tháng qua, tuy nhiên bước vào tháng 7.2022, một số công ty môi giới bất động sản vẫn tìm cách để việc mua bán đất sôi động trở lại. Các công ty này tìm mua các thửa đất nông nghiệp (đất trồng cà phê, hồ tiêu…) với giá rẻ, sau đó phân lô tách thửa, làm đường dẫn vào vị trí để rao bán, quảng cáo rầm rộ trên mạng.

Tại tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Công ty G (văn phòng trên đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) quảng cáo, rao bán 18 lô đất  (có sổ đỏ, diện tích 9x59/lô, tờ bản đồ số 35). N.H – một nhân viên môi giới “nổ” với khách hàng: “Các lô đất này nằm ở vị trí đẹp, view ruộng thích hợp làm homestay, farmstay, cuối tuần mời bạn bè về chơi. Chỉ tuần đầu rao bán sản phẩm, nhiều lô đất đã được mua công chứng, chủ yếu là khách TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… Nếu mua đi bán lại theo kiểu “lướt sóng” vẫn đảm bảo có khoản lời mau chóng”.

Theo ghi nhận, tại thửa đất phân lô bán nền vẫn còn các cây cà phê của người dân trồng. Con đường bê tông dài khoảng 150m, rộng 6m do Công ty bất động sản tự ý đổ làm đường. H.T – “cò đất” tiết lộ: “Mục đích công ty làm đường rộng để xe cộ đi ra vào dễ dàng hơn, giá trị mảnh đất được tăng lên. Nếu công ty tự làm đường thì sẽ bị chính quyền ngăn cản, nên công ty đã linh hoạt ủng hộ tiền cho vài người dân có đất rẫy làm đường bêtông đi qua, hòa chung với phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Nhân viên môi giới công ty bất động sản còn khẳng định chắc nịch, các lô đất tách thửa đã có sổ đỏ chính chủ hẳn hoi, chỉ vài tháng tới khách hàng có nhu cầu sẽ được chuyển đổi lên đất thổ cư được. Nếu không sớm mua ngay thì khi đường hoàn thiện, chuyển lên đất ở, khách hàng không còn cơ hội mua đất vì giá đã đẩy lên cao.

Buộc trả nguyên trạng

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Vũ – Phó Chủ tịch UBND P. Chi Lăng, TP. Pleiku – cho biết, ngay khi nhận được thông tin sẽ mời công ty bất động sản Gold Lands xuống làm việc. Qua kiểm tra, doanh nghiệp tự ý cơi nới, mở rộng đường là sai, buộc phải hoàn trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.

Theo ông Vũ, vị trí phân lô bán nền đang trong quy hoạch đất nông nghiệp, không chuyển thành đất thổ cư được và cũng không có dự án nào ở vị trí này. Do địa bàn rộng, dân thưa thớt lại giáp ranh với xã Chư Á nên khó khăn cho công tác quản lý, giám sát.

Thời gian qua, P. Chi Lăng đã cắm bảng cảnh báo người dân về tình trạng sốt đất ảo, giao dịch mua bán đất nền. Tuy nhiên, các công ty môi giới bất động sản vẫn lén lút hoạt động mua bán, giới thiệu.

Trước tình trạng “sốt đất” làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các huyện, thị xã trên địa bàn có biện pháp ngăn chặn, hạn chế phân lô tách thửa. Nếu địa phương nào vi phạm thì người đứng đầu đơn vị sẽ chịu trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn