MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ vụ sốt đất ảo ở Hoà Lạc: Cần hình sự hoá hành vi "thổi giá" bất động sản

Cường Ngô LDO | 06/04/2020 12:01

Theo luật sư Trương Anh Tú, hành vi "thổi giá" bất động sản (BĐS) lên cao dẫn đến tình trạng "sốt đất ảo" để thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường BĐS, xâm phạm tới lợi ích của người dân. Vì vậy, cần phải được hình sự hoá hành vi này.

Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hiện tượng thổi giá BĐS

Liên quan vụ giá đất nền ở khu vực Quan Giai (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội được "cò" thổi phồng, đội giá từ 5 triệu đồng/m2 lên đến 20 triệu đồng/m2, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam khẳng định đó là hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường, nhằm mục đích trục lợi.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm, đây không phải trường hợp đầu tiên xảy ra tình trạng “cò đất”, người buôn BĐS tạo ra sự khan hiếm giả trên thị trường, để đẩy giá lên cao. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, thời gian tới sẽ còn nhiều trường hợp tương tự xảy ra.

Về chế tài xử lý, theo luật sư Tú, ngày 27.11.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản… kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Theo đó, các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ; cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về BĐS mà mình môi giới… chế tài xử phạt từ 10 triệu đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý thực trạng này. 

Các nhà đầu tư đổ về thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc “lướt sóng“. Ảnh: C.N 

Đứng dưới góc độ quản lý thị trường về BĐS, luật sư Trương Anh Tú nhận thấy, thị trường BĐS của chúng ta thường xuyên rơi vào thực trạng cầu vượt quá cung, không đáp ứng được nhu cầu về BĐS, cụ thể là nhà ở cho người dân.

Chính vì vậy, luật sư Tú cho rằng - cần phải đưa vào thị trường khối lượng BĐS lớn, từ đất nền, cho đến nhà ở. Muốn đưa vào số lượng lớn thì phải minh bạch: minh bạch trong quy hoạch đô thị, minh bạch trong việc cung cấp thông tin đến người dân, minh bạch trong quá trình tiếp cận nguồn lực về đất đai của các doanh nghiệp…

Khi có cơ chế pháp luật minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp BĐS có cơ hội tiếp cận thị trường BĐS một cách công bằng, đương nhiên, hàng hóa BĐS sẽ nhiều lên, và điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ rẻ đi.

“Nếu chúng ta minh bạch, công bằng, không có lý do gì giá BĐS lại cao bất thường như vậy. Khi nguồn cung tăng lên, giá thành giảm xuống, không có lý gì người dân phải đi mua tranh, bán cướp”, luật sư Tú nhận định.

Cần phải đưa vào chế tài hình sự

Bên cạnh đó, luật sư Tú kiến nghị - cần thiết phải cải cách pháp luật để khi có thực trạng, chúng ta sẽ giải quyết được nhanh chóng hơn, đó là hình sự hóa các hành vi “thổi giá” BĐS.

Theo đó, tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích công cộng đều là những hành vi có thể đưa vào chế tài hình sự để xử lý. Do vậy, cần phải xây dựng những tội danh mới trong Bộ luật Hình sự. Hành vi "thổi giá" lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường BĐS, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

“Rõ ràng đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội.

Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm để không phải thấy những tình cảnh đau lòng như trên. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, luật sư Tú nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn