MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơn sốt đất ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang biến những vùng quê thành nơi giao dịch đất với giá bạc tỉ mà một phần là do chiêu trò của “cò” đất. Ảnh: Đ.V

Tung tin đồn, giả mạo giấy tờ trong cơn sốt đất: Phải điều tra rõ, xử lý nghiêm

THUỲ TRANG - ĐỖ VẠN LDO | 17/03/2019 07:53

Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, đến Phú Yên liên tục xuất hiện tình trạng làm giả văn bản, giả mạo chữ ký lãnh đạo chính quyền về việc đầu tư một dự án, tách nhập quận huyện để đẩy giá đất tăng cao.

Dù cơ quan chức năng nhanh chóng lên tiếng bác bỏ, thế nhưng chưa vụ điều tra nào có kết quả. Từ đó cho thấy, hoạt động quản lý môi giới bất động sản vẫn đang bị buông lỏng, thành phần bất chính vẫn ung dung sau khi tạo nên những cơn sốt giả, đút tiền vào túi riêng, để mặc người dân mù mờ thông tin, thậm chí là bị lừa.

Đất quê bỗng được thổi thành... dự án phức hợp

Tại Quảng Nam, cuối tháng 2.2019, trên mạng xã hội xôn xao khi lan truyền một văn bản giả mạo chữ ký của ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh - chấp thuận phê duyệt đầu tư dự án chuỗi khách sạn năm sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại phường Cẩm Nam, TP. Hội An. Trong cơn sốt đất hừng hực đã có sẵn, những khu đất tại đây càng bị đẩy giá lên tiền tỉ.

Trước hiện trạng đó, tỉnh Quảng Nam phải lên tiếng khẳng định không ban hành bất kỳ văn bản nào liên quan đến nội dung như trên. Điều này đồng nghĩa với việc, văn bản kia dù có chữ ký rất rõ của Chủ tịch tỉnh cũng chỉ là thứ giả mạo.

Chưa dừng lại ở đó, giới “cò” đất lại tiếp tục rao tin một số đơn vị xã, phường của thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) sẽ sáp nhập vào TP. Đà Nẵng nhằm lừa đảo những người dân quê, tiếp tục tạo cơn sốt đất mới. Để chấn chỉnh tình hình, ngày 9.3, UBND thị xã Điện Bàn phát đi công văn bác bỏ và cảnh báo người dân về những tin đồn thất thiệt. Chính quyền Điện Bàn nhấn mạnh, đây là chiêu trò nhằm kích động thị trường bất động sản ở TP. Đà Nẵng và TP. Hội An, tạo cơn sốt ảo về đất đai của địa phương.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết, đơn vị đã nắm bắt và đang tiến hành xác minh thông tin để biết được mục đích cuối cùng. Tuy vậy, ông Dũng cho biết, việc xác minh tin đồn là rất khó bởi nguồn phát tán từ trên mạng không dễ để truy tới cùng. Tương tự như những câu chuyện giả mạo trên, giới bất động sản Đà Nẵng cũng từng giật mình trước việc Sở Thông tin truyền thông (TTTT) và Công an thành phố bất ngờ vào cuộc điều tra một văn bản giả mạo chữ ký của Chủ tịch UBND thành phố về một dự án xây mới cầu nối khu đô thị Hoà Xuân. Thế nhưng, cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra kết quả cuối cùng của những vụ việc trên.

Đại diện Sở TTTT Đà Nẵng cho biết, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý những tin đồn thất thiệt hiện nay chỉ được thực hiện khi một cá nhân, tổ chức nào đó bị ảnh hưởng, bị phương hại bởi tin đồn. “Khi những cá nhân, tổ chức này báo cáo với cơ quan chức năng thì chúng tôi vào cuộc, điều tra làm rõ. Còn về phần người dân, khi tiếp cận với một thông tin nào đó thì nên xác minh lại bằng những văn bản được công bố công khai qua các kênh thông tin của chính quyền để tránh thiệt hại cho mình” - Sở TTTT Đà Nẵng cho hay. Nói như vậy, chính quyền hiện nay đang “bó tay” và luôn chạy theo những tin đồn, văn bản giả hơn là quản lý ngay từ đầu. Lỗ hổng này phải chăng đang khiến những kẻ bất chính ngày càng ung dung và chưa dừng lại những chiêu trò để trục lợi?

Quản lý đất đai phải sát thực tế

Ông Anh Phiệt - Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng - nhìn nhận, một vấn đề ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an của một khu vực đã xảy ra rồi mới có những hành động từ Cơ quan quản lý nhà nước để nhằm “hạ nhiệt” thì chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề.

“Quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai cần phải tiên liệu để có những chính sách cho sát với thực tế xảy ra. Ví dụ như quy hoạch vùng, địa phương thì cần công khai tại đơn vị quản lý nhỏ như phường, xã, tổ dân phố, lúc đó người dân hiểu hơn về chính sách công, dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ việc thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cộng đồng là điều đáng khuyến khích, tuy nhiên, việc thu hồi và khi bồi thường với giá thật thấp để phục vụ một nhóm người có cơ hội bán ra với giá thật cao thì cần xem lại chính sách của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo cân bằng cho xã hội, cho người dân cũng như ngân sách nhà nước đều được hưởng lợi” - Luật sư Anh Phiệt chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn