MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ưu tiên dòng tiền cho các dự án dang dở

ANH HUY LDO | 09/11/2022 10:52
Đại diện một số chủ đầu tư bất động sản cho biết vấn đề về nguồn vốn, dòng tiền đang là khó khăn lớn nhất bởi đây không khác gì "nguồn ôxy", giúp họ đảm bảo duy trì hoạt động đầu tư kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, ximăng, sắt thép...
Cần ưu tiên giải ngân vốn cho các dự án dang dở để không làm ngưng trệ, giúp dự án sớm hoàn thành theo dự kiến. Ảnh: BC
Theo ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát, cả 4 dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản đều đang bị bóp nghẹt.

Về kênh tín dụng ngân hàng thông thường chiếm 60-70% dòng vốn của doanh nghiệp, nhưng hiện nay "room" tín dụng bị hạn chế, đa số doanh nghiệp rất khó tiếp cận, kể cả những ông lớn trong ngành bất động sản.

Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Novaland ông Bùi Xuân Huy rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước có sự nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để cho khách hàng, những nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản cũng như những nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận, sử dụng được nguồn vốn tín dụng.

Theo ông Huy, một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường bất động sản ấm hơn.

TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho rằng, trong dư địa hữu hạn, phải lựa chọn đối tượng để có sự hỗ trợ cần thiết, không để thị trường bị đứt gãy.

Nguồn lực ít thì phải dồn lực, phải có sự liên kết của hệ thống ngân hàng thương mại dưới sự chỉ huy của Ngân hàng Nhà nước để tập trung vào một số đối tượng cần “giải cứu”.

Đơn cử, theo ông Trần Du Lịch như thị trường bất động sản, các dự án đang làm dang dở, cần tiếp tục dòng tiền thì phải ưu tiên giải ngân để không làm ngưng trệ, giúp dự án sớm hoàn thành theo dự kiến. Ưu tiên cho các dự án bất động sản nhà ở, những khu công nghiệp và thương mại.

Bên cạnh chính sách chung, cần có những xử lý cá biệt. Kinh nghiệm từ các nước chỉ ra rằng, khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế thì luôn luôn có lựa chọn, làm sao nuôi dưỡng được nguồn lực của doanh nghiệp, ngăn chặn sự ngưng trệ của thị trường.

Một số nước hiện cũng đã phải áp dụng những chính sách đặc thù với thị trường bất động sản, chỉ tập trung vào các dự án đang dang dở, nếu “bơm” thêm tiền có thể hoàn thành. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn