MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dư nợ tín dụng nhà ở xã hội vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ. Ảnh: Anh Dũng

Vì sao dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt thấp?

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 10/02/2023 09:30

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội còn chiếm tỉ trọng nhỏ. Trong đó có những khó khăn chung của thị trưởng bất động sản (BĐS), đồng thời, nguồn vốn cho vay các chương trình còn hạn chế, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm.

Cho vay nhà ở xã hội đạt trên 12.000 tỉ đồng

Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai cho vay theo các chương trình về nhà ở. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình cho vay liên quan tới BĐS với tổng dư nợ 15.440 tỉ đồng (chiếm 5,4% trên tổng dư nợ các chương trình cho vay) với trên 262.000 khách hàng đang vay vốn.

Trong đó, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP có doanh số cho vay đạt 12.248 tỉ đồng, với gần 24.000 căn nhà được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo để ở, trên 7.000 căn hộ nhà ở xã hội được mua, thuê mua. 

Phía NHNN nhận định, trong từng giai đoạn phát triển, NHNN đã linh hoạt sử dụng các công cụ, chính sách để điều hành tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, thích ứng với diễn biến thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn và góp phần duy trì sự phát triển ổn định của thị trường.

NHNN thực hiện quản lý, điều hành theo các phân khúc BĐS; theo đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ; các nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và người dân; đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ rủi ro cấp tín dụng với những mục đích đầu cơ để đảm bảo an toàn hệ thống.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng thời gian qua vào lĩnh vực BĐS đã góp phần tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với cá nhân, tín dụng ngân hàng giúp cải thiện được chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống; với doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu về vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo ra doanh thu lợi nhuận.

Vẫn còn chiếm tỉ trọng nhỏ

Bên cạnh những thành quả đạt được, trao đổi với PV Lao Động, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội vẫn còn chiếm tỉ trọng nhỏ (chỉ chiếm 0,71% tổng dư nợ tín dụng BĐS) do thời gian qua, nguồn cung nhà ở phân khúc này còn thấp, đồng thời, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai cho vay đối với nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.

Qua tổng hợp báo cáo của các ngân hàng; khó khăn, vướng mắc khi cấp tín dụng cho các dự án BĐS tập trung ở nhiều vấn đề. Về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư và đây là vướng mắc rất lớn tồn tại trong thời gian qua.

Về cơ cấu sản phẩm trên thị trường đang có sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự, trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế. Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà;

Ngoài ra hiện nay, chưa có nguồn vốn dài hạn có tính ổn định cho thị trường. Việc huy động vốn qua kênh trái phiếu gặp nhiều khó khăn: Thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS thuộc nhóm ngành phát hành trái phiếu lớn nhất. Tuy nhiên, gần đây, một số doanh nghiệp có những vi phạm trong phát hành trái phiếu gây mất lòng tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu. Ngoài việc phải xử lý các trái phiếu đáo hạn, nhiều doanh nghiệp còn ứng tiền mua lại trước hạn; việc này sẽ gây áp lực lên dòng tiền, tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như dòng vốn tín dụng ngân hàng.

"Đối với cho vay nhà ở xã hội, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn cho vay các chương trình còn hạn chế, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình; nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn (chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện việc xây dựng mới nhà để ở, chưa tách khẩu…)" - lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay. 

Trong Hội nghị Tín dụng BĐS (ngày 8.2), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án khả thi, đảm bảo cơ sở pháp lý, các dự án có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS có khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn