MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án được xây lên mới bị đình chỉ khiến một khu vực đô thị TP.Biên Hòa trở nên nhếch nhác. Ảnh: H.A.C

Vì sao “phạt cho tồn tại”?

HÀ ANH CHIẾN LDO | 25/10/2019 06:30

Ngoài xây dựng không phép quy mô lớn đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt, đình chỉ thi công, chủ đầu tư còn sử dụng đất công ở vị trí “đất vàng” không đúng mục đích và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang thương mại dịch vụ. Dư luận đặt câu hỏi về việc có lợi ích nhóm khi để dự án “lách” không phải đấu giá quyền sử dụng đất và hưởng chênh lệch giá đất ở dự án này?

Vẫn hoạt động dù bị “tuýt còi” từ năm 2017

Theo hồ sơ, năm 2002, khu đất được UBND tỉnh Đồng Nai cho Cty Cổ phần Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai thuê với thời hạn 50 năm, đến hết ngày 31.12.2045 (tính từ ngày 1.1.1996), với mục đích làm văn phòng và nhà xưởng sản xuất. Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư tự ý mở dự án “Khu phức hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp” - vốn đầu tư 679 tỉ đồng - tọa lạc trên diện tích đất do nhà nước quản lý rộng 23.667m2. Sau khi khu A (Trung tâm tổ chức hội nghị - sự kiện với quy mô 5 tầng, diện tích 3.500m2) được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng và tiến hành xây dựng khu B (Trung tâm thương mại - dịch vụ, với quy mô 6 tầng, diện tích 4.300m2), chủ đầu tư mới bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, đình chỉ do không có giấy phép xây dựng. Dự án tại khu đất công này còn có kế hoạch xây dựng khu C là Khu văn phòng kết hợp căn hộ cao cấp là hạng mục khủng nhất (dự kiến xây dựng tới khoảng 14-16 tầng diện tích hơn 1.880m2).

Hiện khu A đã đi vào hoạt động từ năm 2017 với tên Trung tâm tổ chức sự kiện Eros Palace Luxury. Vào tháng 8.2017, khi phát hiện khu A xây dựng không phép, UBND TP.Biên Hòa ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu ngưng thi công, trong vòng 60 ngày sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng. Tương tự, vào tháng 5.2018, UBND TP.Biên Hòa ra quyết định xử phạt hành chính khu B và ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trên. Thế nhưng điều lạ là cho đến nay cả 2 khu đều chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn tồn tại một cách khó hiểu.

Ông Nguyễn Hữu Thanh - Phó Chủ tịch UBND P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa - khẳng định: “Khi việc xây dựng không phép xảy ra, chúng tôi đã báo cáo UBND TP.Biên Hòa vì đó một công trình lớn xây dựng ngay trên địa phương”.

Ngày 23.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa - cho biết, dự án tồn tại từ năm 2017, hiện phải chờ Sở Xây dựng báo cáo tỉnh chỉ đạo để xử lý. Khi PV đặt câu hỏi, vì sao khu B đã xây dựng được tầng hầm công trình mới bị tạm dừng xử lý, ông Lộc cho rằng, ông mới về nhận nhiệm vụ nên không nắm rõ.

Nhiều khuất tất chưa được làm rõ

Đối với việc xử lý sai phạm, qua rà soát, Thanh tra tỉnh Đồng Nai xác định, Công ty Cổ phần Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai không sử dụng đất đúng mục đích thuê đất làm văn phòng và nhà xưởng sản xuất, mà tự ý xây dựng “Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp” khi chưa được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Dư luận đặt nghi vấn về việc có lợi ích nhóm khi để dự án “lách” không phải đấu giá quyền sử dụng đất và hưởng chênh lệch giá đất ở dự án?. Bởi đối với khu đất hơn 23.677m2 của dự án này, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang thương mại dịch vụ, chủ đầu tư sẽ phải đóng khoản thuế tiền sử dụng đất hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước.

Đồng thời, trường hợp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang thương mại, dịch vụ phải thực hiện việc đấu giá đất và phải công khai quy hoạch làm khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chiều ngày 23.10, PV đã liên hệ với lãnh đạo các Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai để làm rõ những khuất tất trên thì đều được thông báo là lãnh đạo bận họp và khi liên lạc thì không bắt máy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn