MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mảnh đất khai hoang ở xã Yên Bài. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vỡ mộng giàu nhanh, nhà đầu tư tháo chạy khỏi đất khai hoang

ANH HUY LDO | 26/11/2023 14:21

Đất khai hoang từng được một số nhà đầu tư đổ tiền vào chờ ngày chuyển đổi sang đất ở để được gấp đôi, gấp ba số tiền, nhưng đến nay, kế hoạch chuyển đổi vẫn nằm im khiến họ nản chí. Nhiều người đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi nên rao bán gấp với giá rẻ hơn lúc mua.

Dù đang gặp nhiều khó khăn về tài chính nhưng anh Nguyễn Tú (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thể bán được mảnh đất khai hoang mà anh đã mua cách đây 3 năm (2020).

Theo anh Tú, giữa năm 2020, anh có mua một mảnh đất khai hoang 2.600m2 ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) với giá gần 3,4 tỉ đồng (tương đương 1,3 triệu đồng/m2).

"Lúc đó, theo tư vấn của môi giới, mảnh đất khai hoang này nằm trong khu vực quy hoạch dân cư, có thể chuyển đổi sang đất ở để sử dụng lâu dài. Qua khảo sát, mức giá trên là hợp lý, tôi quyết định vay thêm ngân hàng 1,5 tỉ đồng để mua", anh Tú kể.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm chờ đợi, việc chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất tại thời điểm hiện tại là rất khó và cũng chưa biết bao giờ mới thực hiện được. Trong khi đó, anh Tú vẫn gánh khoản vay của ngân hàng, đặc biệt lãi suất ngày càng tăng.

"Hiện tại, khoản vay ngân hàng của tôi phải trả cả gốc và lãi đã lên tới gần 20 triệu đồng/tháng. Số tiền phải trả hàng tháng này là toàn bộ lương của tôi, nhưng mảnh đất khai hoang kia thì vẫn chỉ để cỏ mọc", anh Tú chia sẻ.

Cũng theo anh Tú, khi nhận thấy thị trường trầm lắng và việc chuyển đổi mục đích sử dụng khó khăn, anh đã chủ động rao bán mảnh đất với giá mua vào. Tuy nhiên, các thông tin rao bán gần như không có người quan tâm, dù anh có chấp nhận bán cắt lỗ.

"Tôi đã rao bán cắt lỗ mảnh đất khai hoang này với giá hơn 1 triệu đồng/m2 nhưng tới nay vẫn thể chưa bán được", anh Tú buồn bã nói.

Tương tự, tháng 8.2022, chị Nguyễn Thị Hạnh cùng chồng (ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã quyết định mua một mảnh đất gần 1.800m2 khai hoang tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì với giá gần 2,1 tỉ đồng.

Theo chị Hạnh, giá mua ngoại giao thời điểm đó chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/m2. Người bán nói khu đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất ở, không có quy hoạch khác. Nếu vài ba năm tới không chuyển đổi được đất ở sẽ trả lại tiền. Tin tưởng với những lời của người quen nên vợ chồng chị Hạnh đã vay mượn mua đất.

Mảnh đất khai hoang mà vợ chồng chị Hạnh mua năm 2022. Ảnh nhân vật cung cấp.

“Mặc dù đang ở nhà thuê nhưng do quen biết cùng với những cam kết chắc nịch của người bán nên tôi đã dồn số tiền tích góp và đi vay mượn để đưa cho người chủ đất với hy vọng một vài năm tới, khi chuyển đổi được sang đất ở, giá trị mảnh đất lại được nhân đôi nhân ba”, chị Hạnh nói.

Tuy nhiên, đến nay gần như việc chuyển đổi sang đất ở là chưa thể làm được. Vợ chồng chị Hạnh đã nói chuyện và được chủ trả lại số tiền, tuy nhiên, việc trả lại tiền không như mong muốn.

“Họ trả theo từng đợt và kéo dài thời gian, đến nay mới trả được hơn một nửa số tiền mua đất”, chị Hạnh chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động sáng 26.11, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội - cho rằng, việc đầu tư vào đất khai hoang trước đây đã có nhiều người thành công. Tuy nhiên để có thành công đó, người mua phải biết rõ nguồn gốc thửa đất, để xác định thời điểm sử dụng đất từ bao giờ, có tranh chấp hay không.

Nếu đáp ứng điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì sau một thời gian người mua sẽ thắng lớn. Bởi lẽ, đất khai hoang giá mua vào khi nào cũng ở mức thấp.

Đất khai hoang phần lớn là đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, loại đất này nếu đủ điều kiện vẫn có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013, hướng dẫn bởi các Điều 20, 21, 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và thuộc một số các trường hợp cho phép.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn