MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện việc xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn đang gặp khó khăn do quỹ đất còn ít. Ảnh: Phan Anh

Vốn ở đâu để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội?

Trà My LDO | 09/02/2023 13:30
Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó đặt ra nhiệm vụ triển khai hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Vậy vốn ở đâu cho vay xây nhà ở xã hội?

Hai nguồn vốn chính cho nhà ở xã hội

Bàn về nguồn vốn cho nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, có hai nguồn lực. Nguồn đầu tiên từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 3.163 tỉ đồng.

Nguồn thứ hai được xác định theo chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với con số 15.000 tỉ đồng.

"Tiếp theo là sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại cho vay nhưng có cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Phần này, các bộ ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, một là chưa có tiền, hai là chưa hoàn thiện cơ chế nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng", ông Đào Minh Tú chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sáng 7.2, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, tính đến ngày 31.1.2023, chương trình cho vay nhà ở xã hội dư nợ 10.550 tỉ đồng trên toàn quốc. Số khách hàng là hơn 29.000 người, doanh số cho vay trên 64.000 tỉ đồng. Doanh số thu nợ khoảng 48,8 nghìn tỉ đồng. 

Khảo sát thực tế tại Bắc Ninh, với căn hộ diện tích 47,68m2, giá trị gần 480 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội đang cho vay tới 80% giá trị căn hộ với lãi suất 4,8%/năm trong thời hạn 20 năm. Với nhiều người dân lao động thu nhập từ 10 triệu đồng cả hai vợ chồng thì việc sở hữu căn chung cư vài tỉ đồng là ước mơ xa vời. Thế nhưng việc tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi, nhiều công nhân đã mua được nhà, ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Trọng Cường - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh - cho biết, trên địa bàn tỉnh, 100% khách hàng đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay vốn được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Ninh đáp ứng nhu cầu. Các khách hàng vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng theo quy định. Việc được tiếp cận nguồn vốn đã giúp khách hàng có được mái ấm gia đình, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Vốn mới đáp ứng 35% nhu cầu

Đề cập đến việc bố trí, giải ngân nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn trước đó, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ 3.163/9.000 tỉ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016 - 2020 cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Đối với 4 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định không được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020 không có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một ngân hàng cho biết, hiện việc xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn như: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khó khăn do quỹ đất còn ít mà giá thành lại cao, các chủ đầu tư không quá mặn mà vì lợi nhuận thấp. Nhưng tại các tỉnh thì việc triển khai nhà ở xã hội thuận lợi hơn.

Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan; trong đó sửa đổi các cơ chế, chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước… để thu hút chủ đầu tư tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn