MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dự án nhà ở xã hội chưa thể triển khai vì còn vướng thủ tục. Ảnh: Gia Miêu

Vòng luẩn quẩn những khó khăn chưa thể tháo gỡ khi làm nhà ở xã hội

Gia Miêu LDO | 29/03/2023 10:48

Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội mệt mỏi vì thủ tục thực hiện nhiều bước hơn nhà ở thương mại.

Nhiều dự án khởi công rồi đứng hình

Hàng loạt dự án nhà ở xã hội với quy mô hàng nghìn căn hộ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh được khởi động trong năm 2022 rồi sau đó lại rơi vào cảnh trùm mền vì vướng đủ loại thủ tục.

Đơn cử như vào tháng 4.2022, TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khởi công dự án nhà ở xã hội phường Long Trường (TP Thủ Đức) với quy mô gần 600 căn nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn xây dựng gần 35.000m2. Dự án do Công ty Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư và sau khi khởi công  thì đến nay mọi hoạt động xây dựng gần như chưa triển khai gì.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, nguyên nhân là cho đến nay chủ đầu tư chưa trình hồ sơ thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội lên Sở Xây dựng. 

Tương tự, dự án nhà ở xã hội 2 - block C thuộc khu dân cư Nguyên Sơn, huyện Bình Chánh có quy mô 242 căn nhà ở xã hội theo chính sách thuê, mua cũng được khởi công trong năm 2022 nhưng cho đến nay vẫn án binh bất động vì dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian tiến độ thực hiện. 

Dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây tại phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, Quận 7 do Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư với quy mô hơn 1.300 căn, cũng được khởi công hơn 6 tháng rồi đứng hình. Theo Sở Xây dựng, khu dân cư Tân Thuận Tây (Quận 7) chưa nộp lại hồ sơ để thẩm định thiết kế cơ sở tại Bộ Xây dựng. 

Dự án nhà ở xã hội phường Long Trường án binh bất động sau khi khởi công vì chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục theo yêu cầu. Ảnh: Gia Miêu

Biết vướng nhưng vẫn khó tháo gỡ

Câu chuyện bàn về một cơ chế thật sự ưu đãi cho những chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở đã được nói nhiều thời gian qua nhưng tất cả vẫn khó. Nhiều doanh nghiệp cho biết, làm thủ tục dự án cho nhà ở xã hội thường cũng mất gần 5 năm như một dự án nhà ở thương mại, thậm có trường hợp còn lâu hơn thì rất khó làm. 

Như câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành cho biết, công ty của ông phải mất hơn 4 năm để xin điều chỉnh dự án của mình từ 12 tầng lên 14 tầng. Vất vả nhất là thủ tục xin chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp phải chờ hơn nửa năm nhưng không dễ xin được đầy đủ ý kiến các sở, ngành liên quan.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TPHCM, nhìn nhận có nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, trong đó lĩnh vực này chịu tác động của 6 luật nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, thủ tục thực hiện nhà ở xã hội phức tạp nhiều hơn nhà ở thương mại. Đơn cử, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán này xong mới được miễn. Bên cạnh đó, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Về vấn đề quỹ đất, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ theo quy định của pháp luật hiện hành thì đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội được hình thành từ 2 nguồn. Thứ nhất từ việc giao đất, cho thuê đất theo quy hoạch. Thứ hai, đất của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Cho dù xuất phát từ nguồn nào thì đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội cũng phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế công tác quy hoạch để đất phát triển nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Đơn cử, Luật Nhà ở năm 2005 đã có quy định khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, phải xác định rõ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế trong quy hoạch thành phố đã không xác định cụ thể đối với loại đất này. Chẳng hạn, trong quy hoạch sử dụng đất của thành phố kỳ 2011-2020 không có xác định chỉ tiêu riêng cho đất xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ có chỉ tiêu chung về đất ở. Điều này dẫn đến lúng túng, thiếu chủ động trong tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn