MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những trụ bê tông thế này đươc các đối tượng đóng nhiều nơi để lấn chiếm đất kênh rạch. Ảnh: PV

Vụ lập nhóm đi chiếm đất kênh rạch: Buộc tháo dỡ trụ bê tông và hàng rào

Nhóm PV LDO | 28/04/2023 19:03

TP Hồ Chí Minh - Liên quan đến vụ "lập nhóm đi chiếm đất kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh", cơ quan chức năng đã mời các đối tượng lên làm việc và buộc phải tháo dỡ trụ bê tông và hàng rào dựng trái phép lấn chiếm đất kênh rạch.

 Một khu đất được các đối tượng đóng 16 cột bê tông để lấn chiếm.

Yêu cầu tháo dỡ cột bê tông và hàng rào 

Chiều 28.4, thông tin từ lãnh đạo UBND phường Long Phước, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, phường đã mời các đối tượng có liên quan trong vụ đóng cột bê tông và dựng hàng rào trái phép trên phần đất kênh rạch thuộc quản lí của Nhà nước để làm việc. Tại đây, phường yêu cầu các đối tượng viết bản cam kết không tái phạm, đồng thời phải nhổ cọc bê tông trên phần đất lấn chiếm trái phép. Các đối tượng đã cam kết tự tháo dỡ các trụ bê tông cũng như hàng rào xây dựng trái phép trên phần đất kênh rạch.

Theo lãnh đạo phường Long Phước, hiện vụ việc vẫn đang được UBND phường và các cơ quan chức năng thành phố Thủ Đức tiếp tục xử lí theo đúng quy định của pháp luật và sẽ có văn bản phản hồi đến Báo Lao Động, sau khi có kết quả xử lí chính thức.

Sau khi báo Lao Động đăng bài phản ánh, nhiều người dân cũng đã liên hệ đến báo phản ánh tiếp tình trạng lấn chiếm đất kênh rạch như báo phản ánh. Theo đó, đã có người dân chấp nhận bỏ tiền mua lại diện tích đất kênh rạch này để được yên ổn trước việc gây áp lực của nhóm đối tượng. Tuy nhiên, cũng có người dân không chấp nhận bỏ tiền ra mua và phản đối đến cùng. Điển hình như ông N.V.C (ngụ thành phố Thủ Đức) đã gặp PV Báo Lao Động để trình bày về việc ranh đất nhà ông bị các đối tượng tự ý dựng hàng rào lấn chiếm phần đất kênh rạch không thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông C đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử  lí nghiêm các đối tượng này trên cơ sở Báo Lao Động đã phản ánh.

 Hiện tượng đóng cọc lấn chiếm thế này được diễn ra ở nhiều nơi.

Không xử lí nghiêm sẽ để lại hậu quả lớn

Về vấn đề các đối tượng lập nhóm đi chiếm đất kênh rạch như Báo Lao Động phản ánh, luật sự Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không xử lí nghiêm sẽ để lại hậu quả lớn.

Theo luật sư Phát, có thể xác định đây là nhóm hành vi liên quan đến việc lấn chiếm đất sai quy định của pháp luật về Luật Đất đai.  Bởi vì, những người này không trực tiếp sử dụng đất, về nguyên tắc những người sử dụng đất hợp pháp, trong quá trình sử dụng đất, nếu có phát sinh thêm phần bãi bồi hay là phần kênh rạch đó không có lộ giới, vẫn có thể được công nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện.

"Trong trường hợp người dân muốn đăng kí phần đất này, thì phải thực hiện việc biến động tăng, có nghĩa là chứng minh được phần đất được sử dụng hợp pháp và phần đất đó không nằm trong lộ giới của kênh rạch. Còn những người đi lấn chiếm là không trực tiếp sử dụng đất, thì được xem là hành vi lấn chiếm kênh rạch trái phép.

Hành vi này, nếu lần đầu tiên sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 04/2022. Tùy vào diện tích đất lấn chiếm  sẽ bị xử phạt tiền từ 2 triệu đồng  đến cả trăm triệu đồng,  cụ thể nếu diện tích lấn chiếm từ 1 héc ta trở lên số tiền phạt lên đến 120 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải khắc phục hậu quả trả về hiện trạng trước đó đã lấn chiếm. Trong trường hợp này, các đối tượng đóng cọc bê tông thì bắt buộc phải tháo dỡ trả lại hiện trạng đất ban đầu. Còn nếu những hành vi này tiếp tục tái diễn, tức sau khi xử phạt hành chính rồi những đối tượng này vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì có thể bị khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 224, bộ luật Hình sự" - luật sư Phát phân tích.

Luật sư Lê Trung Phát cũng cho rằng, chính quyền địa phương phải sớm vào cuộc xử lí tình trạng như Báo Lao Động nêu, nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của những người đang trực tiếp sử dụng đất và đảm bảo về vấn đề an ninh trật tự của địa phương.

"Vụ việc này nếu tiếp diễn thì hậu quả rất lớn, chứ không như những tranh chấp thông thường. Bởi vì, khi họ chiếm xong bán lại hoặc chuyển đến sinh sống, sau này hậu quả giải quyết việc cưỡng chế sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Thực tế cho thấy, các đối tượng này khi có tranh chấp xảy ra với những người trực tiếp sử dụng phần đất đó, thường hay sử dụng vũ lực để giải quyết. Nếu việc này xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân" - luật sư Phát nói.

Các đối tượng  lập hàng rào tôn để lấn chiếm.

Trước đó, Báo Lao Động có đăng bài "Lập nhóm đi chiếm đất hành lang kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh", phản ánh nhiều đối tượng đã lập nhóm, rồi đi chiếm đất hành lang kênh rạch thuộc sự quản lí của nhà nước, gây bức xúc trong dân. Việc này ngang nhiên diễn ra tại phường Long Phước, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) nhưng cơ quan chức năng chưa xử lí dứt điểm.

Theo đó, các đối tượng ngang nhiên vào ranh một số khu đất của người dân đóng cọc bê tông hoặc xây dựng hàng rào để chiếm dụng phần diện tích đất hành lang kênh rạch, thuộc sự quản lí của Nhà nước nên không thể hiện trong sổ đất của người dân.

Sau đó, những hộ dân bị các đối tượng lấn chiếm yêu cầu muốn được tháo dỡ trụ bê tông hoặc hàng rào sắt thép thì phải bỏ ra hàng tỉ đồng để mua lại khu đất này, dù đây là đất hành lang kênh rạch do Nhà nước quản lí. Nhiều hộ dân phản đối, không chấp nhận chi tiền ra mua diện tích đất này và gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng.

Ngay sau khi báo đăng, UBND Phường Long Phước đã vào cuộc kiểm tra và mời các đối tượng có liên quan đến làm việc. UBND thành phố Thủ Đức cũng đã có chỉ đạo UBND phường xác minh vụ việc chiếm đất hành lang kênh rạch như báo Lao Động phản ánh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn