MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà ở xã hội NO1 Khu đô thị Hạ Đình (214 Nguyễn Xiển, TP.Hà Nội) xác nhận chưa đủ điều kiện nhận đặt cọc và ký hợp đồng mua bán căn hộ, dù rất nhiều “cò” bất động sản đang rầm rộ rao bán. Ảnh: Lan Nhi

Vướng chính sách phát triển nhà ở xã hội: Cần gỡ chỗ nào?

Cao Nguyên - Nhi Cúc LDO | 12/04/2021 14:35
Thời gian gần đây, Báo Lao Động đã đăng tải tuyến bài phản ánh về thực trạng nhà ở xã hội trong đó có nêu các bất cập về loại hình này. Thậm chí, việc trục lợi chính sách, phân bổ nhà ở xã hội không đúng đối tượng đang là vấn đề nhức nhối với các đơn vị quản lý. Cho rằng một số quy định tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP là không phù hợp với Luật Đất đai, Hiệp hội Bất động sản đã kiến nghị đến Thủ tướng, Bộ Xây dựng để xử lý.

“Cò” đất rầm rộ mời chào, hét giá nhà ở xã hội

Nhu cầu đối với nhà ở xã hội hiện rất lớn trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng, điều này vô hình khiến cho những người lao động có thu nhập thấp tại các thành phố lớn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, không đủ năng lực tài chính để mua nhà.

Con đường tìm được một ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp” tại Thủ đô khá xa vời với nhiều người. Anh Phan Tiến Minh (sinh năm 1989, quê Vĩnh Phúc) sinh sống và làm việc tại Hà Nội gần chục năm và nhiều lần có ý định tìm mua các căn nhà ở xã hội để ở tuy nhiên, đến nay câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết. “Giờ tìm mua được nhà ở xã hội gốc rất khó, tôi lên mạng thấy hầu hết là nhà thương mại hoặc nhà người ta sang nhượng. Vì thấy thủ tục rắc rối, dễ rủi ro nên tôi cũng chưa dám xuống tiền để mua”- anh Minh tâm sự.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, các dự án nhà ở xã hội nằm ở vị trí trung tâm TP.Hà Nội như: Đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm), phường Thượng Thanh (quận Long Biên)... đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân hiện nay.

Trước sự quan tâm của nhiều người như vậy, nhiều “cò” môi giới bất động sản đã liên tục đăng tải thông tin chào mời, rao bán các suất nhà ở xã hội dù bên phía chủ đầu tư vẫn chưa có thông tin mở bán công khai. Tìm hiểu cho thấy, nếu khách hàng có nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội sẽ được nhân viên sàn giao dịch bất động sản hướng dẫn đặt cọc, trợ giúp làm hồ sơ. Sàn giao dịch cũng cam kết, hồ sơ của khách sẽ trúng 100% mà không phải trải qua các bước bốc thăm và xét duyệt căn hộ theo quy định. Đồng thời, khách mua vẫn sẽ nhận được căn hộ theo đúng yêu cầu. Đổi lại, khách hàng sẽ phải trả một khoản chi phí gọi là “bôi trơn” với số tiền từ 50 - 300 triệu đồng cho sàn giao dịch này.

Loay hoay tìm lối ra

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản, một trong những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội thời gian qua luôn trong tình trạng thiếu hụt là do chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Chẳng hạn, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định, trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất trên 10ha, chủ đầu tư dự án được lựa chọn các hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%, nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, có hiện tượng chủ đầu tư nộp tiền thay thế hoặc chia nhỏ dự án lớn thành những dự án dưới 10ha để tránh phải dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội.

Để khắc phục, mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1.4.2021 sửa đổi, bổ sung một số điều trong đó quy định những dự án không phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) - điều này là không phù hợp với Luật Nhà ở 2014. Vì trước đây, theo quy định tất cả các dự án thương mại đều phải dành 20% quỹ đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, đối với dự án 10ha trở lên phải xây dựng nhà ở xã hội trong dự án; dự án dưới 10ha được lựa chọn thực hiện theo 1 trong 3 phương thức: Hoặc xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi bằng quỹ nhà ở xã hội khác có giá trị tương đương, hoặc trị giá bằng tiền để nộp ngân sách nhà nước…

Bên cạnh đó, việc Nghị định được sửa đổi, không còn sử dụng cụm từ “không phân biệt quy mô diện tích đất” đã đưa ra cách hiểu khác, đó là dự án nhà ở thương mại “nhỏ hơn 2ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án”. Vấn đề này đã tạo ra tình trạng không công bằng giữa các dự án nhà ở thương mại và không phù hợp với Luật Đất đai - ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề lớn nhất đối với nhà ở xã hội chính là đang mắc phải cơ chế xin - cho. Do vậy, nhiều dự án không thực sự phù hợp với nhu cầu của những người muốn có nhà.

“Giá nhà ở xã hội vẫn bị cao hơn giá các nhà ở thương mại giá rẻ. Chính vì vậy mà nhiều lúc nhà ở xã hội cung thì có mà cầu lại chẳng mặn mà mặc dù nhu cầu thực là rất lớn. Do vậy, theo tôi mọi việc phải xử lý theo cơ chế thị trường, nhà nước có thể hỗ trợ một phần nào đó nhưng cũng là hỗ trợ theo cơ thế thị trường chứ không phải là cơ chế xin - cho” - ông Võ nói.

Vay mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm

Ngày 1.4.2021, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Cụ thể, thời hạn vay để mua, thuê mua nhà xã hội do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. CN


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn