MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đang gặp quá nhiều rào cản trong vấn đề hoàn thiện pháp lý dự án. Ảnh: Bảo Chương

Vướng pháp lý, muốn chuyển nhượng dự án cũng không dễ

Gia Miêu LDO | 03/04/2023 09:22

Các doanh nghiệp bất động sản đang lên kế hoạch chuyển nhượng dự án để đảm bảo tài chính nhưng tất cả đang gặp vướng cũng chính vì câu chuyện pháp lý chưa được tháo gỡ.

Trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay đã có một số thương vụ mua bất động sản (M&A) lớn trong lĩnh vực bất động sản được công bố như Công ty cổ phần đầu tư Nam Long thông tin về việc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 25% vốn điều lệ của Công ty TNHH Paragon Đại Phước, được thành lập vào năm 2018 để phát triển dự án Khu đô thị Nam Long Đại Phước, quy mô hơn 45 ha tại Đồng Nai. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, cơ cấu cổ đông của Paragon Đại Phước tại thời điểm cuối tháng 12.2022 gồm: Nam Long (75%), Công tư cổ phần đầu tư Thái Bình (21,6%) và Công ty TNHH đầu tư Tân Hiệp (3,4%). Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ gần 1.678 tỉ đồng.

Công tư cổ phần Vina Đại Phước cũng phát đi thông báo thay đổi thông tin vốn điều lệ sau khi tập đoàn phát triển bất động sản công nghiệp Trung Quốc China Fortune Land Development (CFLD) chính thức rút toàn bộ vốn, cái tên thay thế được đồn đoán là một doanh nghiệp trong nước. Vina Đại Phước là chủ đầu tư dự án Hoa Sen Đại Phước, quy mô 200 ha, từng có tên thương mại là Đại Phước Lotus, sau này là SwanBay Đại Phước. Đây là một trong những dự án thành phần thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước.

Thị trường bất động sản được dự báo sẽ là điểm nóng về hoạt động mua bán dự án. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Gia Miêu

Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital, trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang tái cấu trúc toàn diện hoạt động kinh doanh, việc tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng dự án đang là lựa chọn hàng đầu để đảm bảo tài chính. Thời gian qua, cuộc chơi M&A trong lĩnh vực bất động sản rất sôi động với sự tham gia của những nhà đầu tư trong nước, tuy nhiên ở giai đoạn hiện tại mảng M&A dự án nói riêng đang đối mặt với tình trạng dòng tiền suy giảm do doanh nghiệp gặp khó trong huy động vốn và đặc biệt là nguồn hàng dự án đầy đủ pháp lý.

Thực tế, pháp lý đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm và cũng có thể nói là nỗi lo ngại với các nhà đầu tư đặc biệt là khối ngoại. Chỉ riêng với rào cản là dự án vướng đất công xen cài cho đến nay ở TP Hồ Chí Minh có hàng trăm dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ hoặc bị đình chỉ thi công vì lí do này dù tỉ lệ đất này chỉ chiếm trên dưới 10% diện tích toàn dự án.

Dù rằng đã có nghị định 148 được ban hành từ năm 2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai trong đó đã đưa ra phương án tháo gỡ, tuy nhiên, đến nay việc triển khai chi tiết hướng dẫn nghị định 148 vẫn chưa được thực hiện. Ngay cả thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vẫn đủ khiến cho nhiều doanh nghiệp cũng đang mệt mỏi.

Nhiều dự án đã được  chấp thuận đầu tư trước đây nhưng giờ phải thực hiện lại chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tất nhiên, các chính sách có sự thay đổi so với thời điểm trước nên việc làm thủ tục bị ách tắc.

Chính những khó khăn này đang khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu và cũng đang đợi thông tin liên quan đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý lĩnh vực bất động sản từ trong nước và nếu tiến trình này được đẩy nhanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường M&A sôi động trở lại, TS Nguyễn Duy Phương cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn