MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản đến nay vẫn khan hiếm nguồn cung. Ảnh: Cao Nguyên.

Vướng pháp lý, thiếu vốn khiến nguồn cung bất động sản khan hiếm

ANH HUY LDO | 21/07/2023 09:00

Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay vẫn khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng và tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là hàng nghìn dự án phải dừng lại do vướng mắc pháp lý, thiếu vốn...

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2023.

Với bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Bên cạnh đó, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.

Nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả phân khúc. Trong đó, 6 tháng đầu năm, nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 659 dự án đang triển khai xây dựng, đạt khoảng 60,4% so với 6 tháng cuối năm ngoái.

Trong khi đó, dựa theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước có hàng nghìn dự án bất động sản với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỉ đồng đang triển khai phải tạm dừng, trong đó đã bao gồm cả các dự án phát triển nhà ở xã hội.

Từ khi thành lập, Tổ công tác của Chính phủ đã rà soát, làm việc với các địa phương để nhận diện những khó khăn, vướng mắc. Tại TP Hồ Chí Minh có 180 dự án, Hà Nội 170 dự án, Đà Nẵng 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, TP Cần Thơ 79 dự án... được rà soát.

Qua đó, Tổ đã nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến 121 dự án bất động sản.

Tổ công tác đã sàng lọc và có văn bản gửi các địa phương những dự án thuộc nội dung tháo gỡ thuộc thẩm quyền của địa phương, cũng như gửi các Bộ liên quan đến nội dung vướng mắc về lĩnh vực đầu tư, đất đai để có thể nhanh chóng giải quyết.

TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - chia sẻ, trong nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thanh khoản kém và nguồn cung hạn chế. Nguyên nhân chính là do vấn đề pháp lý chưa được giải quyết cùng với việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần tạo điều kiện để thúc đẩy dòng vốn trên thị trường trái phiếu cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, cần giãn nợ cho doanh nghiệp đối với các khoản nợ đã đến kỳ hạn thanh toán; điều chỉnh định mức và đơn giá xây dựng linh hoạt theo biến động giá nguyên vật liệu; đơn giản hóa quy trình đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ.

“Thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn là bởi hai yếu tố chính là vốn và pháp lý. Tuy nhiên, hiện nay những vướng mắc đó cũng đang dần được tháo gỡ”, ông Khôi nói thêm.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai hiện nay vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài.

Tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ... Tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn