MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy định yêu cầu phải có được 100% người dân đồng thuận thật sự là một rào cản lớn trong việc xây mới lại các chung cư cũ trên địa bàn TPHCM. Ảnh: B.C

Vướng thủ tục, nhiều dự án cải tạo chung cư cũ vẫn lỗi hẹn

Bảo Chương LDO | 10/03/2020 12:41
Thủ tục hành chính chậm, các quy định tạo thêm rào cản đã khiến nhiều dự án cải tạo chung cư cũ ở TP.Hồ Chí Minh (TPHCM) bao năm nay vẫn liên tục lỗi hẹn, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trễ hẹn hơn 10 năm chỉ vì vướng thủ tục

Dù đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương xây dựng lại mới từ năm 2010, nhưng cho đến nay, những vướng mắc trong khâu thủ tục chấp thuận đầu tư tại dự án xây dựng cụm chung cư lô số - Cư xá Thanh Đa khiến quá trình triển khai dự án kéo dài. 

Điều này làm cho hàng nghìn hộ dân sinh sống trong các căn hộ ngày một xuống cấp cảm thấy bất an. Cụ thể, đối với cụm 8 chung cư lô số, chung cư lô IV và lô VI đã được bồi thường giải toả, 6 chung cư lô số còn lại có diện tích gần 57.000m2 và khoảng 1.427 hộ dân (khoảng 4.784 người). 

Đến cuối tháng 4.2019, thành phố chấp thuận cho Công ty (Cty) cổ phần Phát triển nhà Thanh Đa làm chủ đầu tư và yêu cầu nộp hồ sơ để công nhận chủ đầu tư dự án trước ngày 31.12.2019. Nếu quá thời hạn này, doanh nghiệp không hoàn tất hồ sơ, thành phố sẽ thu hồi chủ trương thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ tháng 10.2018, UBND quận Bình Thạnh đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ của đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu dân cư phường 27. Tuy nhiên, phải đến tháng 10.2019, UBND TPHCM mới phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch này. Vì vậy, việc yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo thời hạn hoàn tất thủ tục để công nhận chủ đầu tư vào ngày 31.12.2019 là khó khả thi. 

Theo Sở Xây dựng, Cty Thanh Đa đã lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, do đó chưa có cơ sở để lập thủ tục chấp thuận đầu tư. Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM cho chủ đầu tư lùi thời gian hoàn tất thủ tục công nhận đầu tư dự án từ ngày 31.12.2019 đến tháng 12.2020. Nếu đến thời điểm đó mà doanh nghiệp này chưa hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư, UBND TPHCM sẽ thu hồi chủ trương thực hiện dự án. Như vậy, sau 10 năm, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ.

Nhiều quy định đang trở thành rào cản

Trong năm 2020, Sở Xây dựng TPHCM đã có kế hoạch di dời các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cấp nguy hiểm, lựa chọn nhà đầu tư cũng như khởi công xây dựng dự án mới trên nền các chung cư cũ.

Tuy nhiên, bỏ qua vấn đề lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia vào chương trình này cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản về quy định thủ tục gây khó cho doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến việc Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định đối với loại nhà chung cư cũ muốn phá dỡ để xây dựng lại phải được tất cả chủ sở hữu thống nhất - điều này rất khó thực hiện. 

Đơn cử như trường hợp chung cư Ngô Gia Tự, quận 10 nằm trong diện xây mới nhưng cho tới nay vẫn chưa thể có sự đồng thuận giữa chủ đầu tư và các hộ dân. Theo tìm hiểu, chung cư này đã hơn 50 năm tuổi và hiện nay đã xuống cấp. Những hộ ở tầng cao đều mong muốn dời đi để xây mới, riêng các hộ kinh doanh ở dưới thì không đồng ý vì không muốn đi khỏi nơi kinh doanh đang “hái” ra tiền. Do vậy, việc quy định 100% người dân đồng thuận là rất khó đạt được.

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc kinh doanh của Công ty Tecco, thực tế không dễ dàng gì đạt tỉ lệ 100% người dân đồng ý. Chủ đầu tư bị áp lực rất lớn và mất nhiều thời gian khi chưa thỏa thuận được phương thức bồi thường cụ thể với tất cả chủ sở hữu. Vì thế, với nhiều chung cư, việc thỏa thuận bồi thường để đạt 100% kéo dài từ 5-10 năm vẫn chưa giải quyết xong.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM mới đây đã có kiến nghị đề xuất thay đổi quy định xuống mức tối thiểu khoảng 80% các chủ sở hữu thống nhất là có thể tiến hành xây mới.

Kiến nghị tháo gỡ những nút thắt về thủ tục

Sở Xây dựng TPHCM đã có kiến nghị Bộ Xây dựng quy định về thời điểm tổ chức di dời khẩn cấp đối với chung cư cấp D nguy hiểm theo hướng tổ chức di dời ngay sau khi ban hành kế hoạch di dời khẩn cấp. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có ý kiến cụ thể về trình tự thủ tục thu hồi đất khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ mà Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ chưa đề cập.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ quy định về phương thức thực hiện tái định cư tại chỗ trên nguyên tắc người dân ở mới tại vị trí cũ sau khi cải tạo, xây mới tốt hơn nơi ở cũ ban đầu và bổ sung quy định 80% (thay vì 100%) sự đồng thuận của chủ sở hữu nhà chung cư về việc di dời cải tạo, xây dựng lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn