MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu nhà ở xã hội đang hoàn thiện trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên

Xây 10 triệu “nhà ở xã hội 5 sao” giá rẻ có khả thi?

Cao Nguyên LDO | 19/11/2021 08:00
Một doanh nghiệp mới đây đã mạnh dạn có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện 6 - 10 triệu căn hộ trong giai đoạn 2021-2030. Khi nhu cầu nhà ở xã hội đang lớn nhưng việc đáp ứng chưa thực sự như kỳ vọng thì đây cũng là kiến nghị, giải pháp tốt để nâng cao chất lượng loại hình này.

Khu đô thị nhà ở an sinh xã hội 5 sao

Trong khi việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu thì thực tế cho thấy, để bảo đảm sản xuất, kinh doanh, vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp càng trở nên cấp thiết... Hiện nay, cơ quan quản lý đang đề xuất nhiều giải pháp phát triển nhà ở công nhân, trong đó có quy định trách nhiệm của các bên và chính sách thu hút đầu tư.

Đặc biệt, mới đây Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện 6 - 10 triệu căn hộ cho các đối tượng an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030.

Tập đoàn APEC cho rằng, cần lập quy hoạch các đại đô thị nhà ở xã hội có quy mô lớn. Cụ thể, TPHCM, TP.Hà Nội, mỗi địa phương cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000ha để làm nhà ở xã hội diện tích từ 50 - 300ha/khu đô thị. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000ha đến 20.000ha để làm nhà ở xã hội.

Về mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, đơn vị này kiến nghị đặt mục tiêu phát triển 10 triệu căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó từ 2021 - 2025 hoàn thành 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 6 triệu căn hộ.

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ tiên phong đầu tư các khu nhà ở xã hội thành những khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao hoặc tốt hơn nữa là có thể đầu tư lên thành các “Khu đô thị nhà ở an sinh xã hội 5 sao” với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, thông minh, tiện ích như: Công viên, bể bơi, hồ điều hòa, vườn hoa chủ đề, đường riêng cho xe đạp, quảng trường, phố đi bộ, trung tâm thương mại, trường liên cấp, vườn giáo dục, trung tâm y tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý vận hành chuyên nghiệp…

Các sản phẩm căn hộ nhà ở xã hội có diện tích căn hộ từ 25 - 70m2/căn. Giá bán tại Hà Nội và TPHCM khoảng 13 - 16 triệu đồng/m2, các thành phố còn lại khoảng 9 - 14 triệu đồng/m2.

Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần có 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm.

Cần phải có kế hoạch cụ thể

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, lâu nay vấn đề nhà ở xã hội vẫn được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, vấn đề này được các bộ ngành dành nhiều tâm huyết để nhằm phục vụ cho người thu nhập thấp, người nghèo có nhà ở.

Theo ông Điệp, ở thời điểm dịch COVID-19 đang khó khăn nếu thực sự có doanh nghiệp đứng ra để nhận xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là một phương án tốt. Tuy nhiên, cần phải xem năng lực của đơn vị này như thế nào, phải cam kết tiến độ, giá cả... Bởi lẽ để xây dựng được 10 triệu căn hộ trong một khoảng thời gian đó là không hề đơn giản.             

Theo đó cần phải có cơ chế chính sách mở để họ xây dựng. Tuy nhiên, song song với các cơ chế thì chúng ta phải có những tiêu chí cần và đủ để ràng buộc doanh nghiệp phải cam kết thực hiện.

“Chúng ta tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp nhưng họ phải cam kết là nhà đảm bảo chất lượng, giá cả tốt, tiến độ thực hiện đảm bảo… Không thể để doanh nghiệp tự do thoải mái thực hiện, sau đó không thực hiện được thì cũng không sao là bất ổn. Phải kiểm soát chặt chẽ khi mình tạo cơ chế mở” - ông Điệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, theo ông Điệp Chính phủ nên ban hành các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, dễ dàng triển khai dự án.

“Chính phủ và chính quyền địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng nguồn tài chính ứng trước của nhà đầu tư. Và nhà đầu tư sẽ nhận hoàn lại tiền bằng hình thức đối trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân...” - vị này nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho rằng, chúng ta phải xem xét đề án một cách tổng thể. Trong đề án, kiến nghị của doanh nghiệp mong muốn chính sách ra sao và kỳ vọng như thế nào để họ thực hiện. Bởi lẽ, chính sách, cơ chế luôn đi đôi với những quyền lợi và kết quả phải thực hiện.

Ông Châu nói, trong quá trình thực hiện xây dựng nhà ở thì chi phí giải phóng mặt bằng là khá lớn. Nếu doanh nghiệp khi đưa ra đề án mà muốn được giao đất trống thì hoàn toàn khác.

“Chúng ta phải xem xét một cách đầy đủ, khách quan đề án, đề xuất đầu tư mới quyết định” - ông Châu nói.

Một số chuyên gia bất động sản cũng khá ủng hộ với kiến nghị, đề xuất này. Họ cho rằng, Chính phủ nên xem xét tạo cơ chế cho phép các tỉnh, thành phố được ưu tiên một phần vốn ngân sách của địa phương để cấp bù lãi suất cho vay thương mại mua nhà ở xã hội xuống mức 3 - 4%/năm giúp tăng giá trị đồng vốn và tạo nguồn lực cho mua nhà ở xã hội.

Mặc dù đây không phải là chính sách tiên quyết nhưng khi có chính sách này cũng sẽ thúc đẩy cho sự phát triển của nhà ở xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn