MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều quan điểm cho rằng, cần thận trọng khi xây dựng bảng giá đất mới. Ảnh: Anh Dũng

Xây dựng bảng giá đất nên nghĩ về quyền lợi của người dân

Bảo Chương LDO | 15/08/2024 10:30

Nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy rõ hơn vì sao tại thời điểm hiện nay chưa nên ban hành bảng giá đất mới.

Trong khi các địa phương vẫn áp dụng bảng giá, cách tính nghĩa vụ tài chính cũ, TPHCM lại nhanh chóng đưa ra lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh. Giá trong bảng giá đất dự kiến điều chỉnh tăng rất cao so với bảng giá đất cũ, mức tăng nhiều nơi từ 10 - 30 lần, cá biệt có nơi tăng 51 lần.

Điều này khiến cho người dân lo lắng. Người dân nghe tin giá đất tăng nên họ tranh thủ đi nộp hồ sơ, lấy biên nhận để được hưởng mức tính thuế cũ. Dù đã nộp hồ sơ nhưng ngành Thuế tạm dừng việc tính thuế đối với các hồ sơ nộp sau ngày 31.7 để chờ hướng dẫn, chỉ giải quyết các hồ sơ trước ngày 1.8.

Đến nay, đã hơn 10 ngày từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các cơ quan thuế tại TPHCM đang tạm ngưng giải quyết hồ sơ về đất đai nhận sau ngày 1.8. Các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện và TP Thủ Đức ngưng nhận hồ sơ, bởi sợ hồ sơ chưa được giải quyết, nếu nhận thì thời gian giải quyết sẽ bị chậm trễ so với quy định.

Xây dựng bảng giá đất mới, cần thiết nhưng phải thận trọng. Đó là quan điểm đang được nhiều chuyên gia đưa ra.

Tại hội nghị phản biện xã hội về dự thảo xây dựng bảng giá đất mới quyết định thay thế Quyết định 02/2020/QĐ-UBND của UBND TPHCM do Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức ngày 12.8, LS. Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, dự thảo xây dựng bảng giá đất mới thay thế chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, tạo áp lực tài chính lớn, đặc biệt là đối với người dân. Bởi lẽ, tại các huyện trên địa bàn đang có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở, đất để cho con cái xây nhà, an cư của người dân tại các huyện là khá lớn.

Việc giá đất tăng mạnh chỉ sau khoảng thời gian ngắn như trên có thể gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng, đặc biệt đối với những hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại các khu vực ngoại ô, vùng ven thành phố và những nơi đang có quy hoạch, dự án bất động sản, LS Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong tình hình hiện nay chưa tăng giá đất vì chưa cần thiết như luật quy định mà trước mắt áp dụng bảng giá đất hiện hành cho đến ngày 31.12.2025. Trong quá trình này cần khảo sát một cách kỹ lưỡng để có một bảng giá đất chuẩn sát.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - đề nghị cơ quan soạn thảo nên đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để thấy rõ hơn vì sao tại thời điểm hiện nay chưa nên ban hành bảng giá đất, mà nên thực hiện theo quy định bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31.12.2025 và nên tập trung xây dựng bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1.1.2026.

Hiệp hội đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến các trường hợp cá nhân có nhu cầu xin công nhận quyền sử dụng đất ở, trong đó có 13.035 thửa đất mà người sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoặc xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở đối với diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nằm xen kẽ trong đô thị, khu dân cư nông thôn gắn liền với nhà.

Đặc biệt là trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhà đất nằm trong các khu vực quy hoạch treo, nằm trong dự án treo. Điển hình là Dự án Bình Qưới Thanh Đa, trong nhiều năm qua, người dân đã bị treo các quyền của người sử dụng đất mà nếu tới đây được xóa treo thì lại tiếp tục bị thiệt thòi, thua thiệt lần thứ 2 khi phải đóng tiền sử dụng đất rất cao theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn