MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xây mới khang trang, ký túc xá ở Hà Nội vẫn "ế" sinh viên

Phạm Hồng - Thu Huyền LDO | 16/04/2023 16:12
Nhiều sinh viên đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội không mặn mà với việc sinh sống trong khu ký túc xá xây sẵn do thiếu tiện ích, chật chội. 

Tìm hiểu của PV Lao Động, mặc dù nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội gần đây đã cho sơn sửa, xây mới, bổ sung thêm các tòa ký túc xá nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên nhưng tỉ lệ bỏ trống phòng tại đây vẫn tăng cao.

Nhiều sinh viên không mặn mà với việc sinh sống trong khu ký túc xá xây sẵn do thiếu tiện ích, chật chội. Ảnh: Phạm Hồng 

Minh Huệ (sinh viên năm 3, trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ, em đã ở ký túc xá được hơn 2 năm cùng với 5 bạn sinh viên khác.

Nhưng sau kỳ học mới đây, Huệ thấy nhiều sinh viên cùng dãy ký túc xá đã đồng loạt xin chuyển ra ngoài thuê trọ hoặc thuê chung cư mini ở ghép.

"Thường thì ban quản lý ký túc xá tại đây sẽ sắp xếp ngẫu nhiên các sinh viên chung một phòng. Em ở khu ký túc xá cũ nên mỗi kỳ chỉ đóng khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng, đã bao gồm điện, nước. Tuy giá thuê rẻ nhưng gần đây, số lượng sinh viên chọn ở ký túc xá rất ít, còn nhiều phòng trống" - Minh Huệ nói.

Nhiều phòng bỏ trống, không có người ở trong khu ký túc xá trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Phạm Hồng 

Tương tự, P.T.H (sinh viên năm 3 một trường đào tạo truyền thông tại Hà Nội) tâm sự, em cũng vừa mới chuyển khỏi ký túc xá, thuê trọ bên ngoài được hơn nửa năm.

Theo P.T.H, trước đây, trường học thường quy định chỉ những học sinh ở các tỉnh xa trung tâm Hà Nội mới được đăng ký ở ký túc xá.

Thế nhưng từ sau dịch COVID-19 bùng phát, nhiều sinh viên có hộ khẩu thường trú gần Hà Nội vẫn có thể đăng ký ở ký túc xá vì tại đây còn thừa rất nhiều phòng trống.

Nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP. Hà Nội gần đây đã cho sơn sửa, xây mới, bổ sung thêm các tòa ký túc xá. Ảnh: Phạm Hồng 

Dù có mức giá rẻ, thuận tiện cho việc đi lại học tập, thế nhưng nhiều sinh viên như P.T.H đều cho rằng, vì ở quá đông, phòng ký túc xá lại chật hẹp, diện tích chỉ khoảng 15 - 20m2/phòng cho 6 người ở, một số toà kí túc xá cũ thường 2 phòng (12 người) sẽ dùng chung 1 nhà vệ sinh, nhà tắm, rất bất tiện.

Mức giá cho thuê rẻ nhưng bất tiện khiến nhiều sinh viên không muốn sinh sống tại ký túc xá. Ảnh: Phạm Hồng 

Từng sinh sống ở một toà ký túc xá xuống cấp, Thu Hồng (sinh viên đang học tập tại Hà Nội) cũng kể lại nỗi ám ảnh khi phòng ở chật chội, nhiều khi phải "sống chung" với chuột, mùa mưa thì mùi cống bốc lên nồng nặc.

Mặc dù ở ký túc xá sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhưng Hồng đã quyết định chuyển ra ngoài thuê trọ, ở ghép với bạn.

Trần Thùy Linh (sinh viên năm 2, đang sinh sống tại tòa ký túc xá mới trên đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) chia sẻ, cơ sở vật chất còn mới, hiện đại, toà nhà em ở cũng còn nhiều phòng trống. Sinh viên của trường ai có nhu cầu ở đều có thể làm đơn đăng ký để ban quản lý ký túc xá xét duyệt.

Xây mới khang trang nhưng ký túc xá vẫn còn nhiều phòng bỏ trống. Ảnh: Phạm Hồng 

Trao đổi với Lao Động, cô Minh Thu (bộ phận quản sinh ký túc xá của Học viện Báo chí và Tuyên truyền) thông tin, việc sinh viên không chọn ở ký túc xá có rất nhiều lý do, một số bạn sinh viên thường hay đi làm thêm bên ngoài nên cũng có xu hướng thuê trọ cho thuận tiện.

Hiện các tòa nhà trong ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn còn trống nhiều như toà xây mới E5 có 12 tầng, đang được sắp xếp ở đến tầng 9, vẫn còn trống khoảng 3 tầng. Các toà còn lại, sinh viên nếu có nhu cầu chuyển sang tòa mới đều có thể làm đơn gửi ban quản lý vì còn rất nhiều phòng trống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn