MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu đất công được giao làm bệnh viện nhưng lại bị trục lợi. Ảnh: Bảo Bảo

Xin đất làm dự án xây Bệnh viện Ngọc Tâm nhưng chỉ để trục lợi

Bảo Chương LDO | 19/10/2023 09:27

TPHCM - Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm xin đất công xây dựng bệnh viện nhưng không hề triển khai mà dùng chính tài sản đó đi vay để đầu tư cho nhiều dự án khác. Và đến nay, khu đất "vàng" này vẫn chưa được thu hồi.

Mang danh làm dự án bệnh viện nhưng chỉ để trục lợi

Theo hồ sơ phóng viên báo Lao Động có được, khu đất trên rộng 2,9 ha, có bốn mặt tiền nằm sát bên UBND TP Thủ Đức, được UBND TPHCM giao cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) của “đại gia” Đặng Phước Dừa từ năm 2006, với mục đích xây dựng bệnh viện quy mô 500 giường bệnh phục vụ người dân. Đến nay sau 17 năm, bệnh viện vẫn nằm trên giấy.

Lợi dụng việc được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho công ty xây bệnh viện, ông Dừa và những cá nhân liên quan đã trục lợi bằng các hợp đồng góp vốn, sang nhượng qua lại lòng vòng trong các công ty của gia đình ông.

Cụ thể, ông Dừa đem sổ đỏ của Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đi thế chấp vay ngân hàng. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông Dừa và con ông với tư cách là chủ Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm dùng chính sổ đỏ Dự án đem thế chấp vay Sacombank - Chi nhánh Bình Thạnh tổng cộng 223 tỉ đồng để “góp vốn đầu tư dự án”. Ông Dừa đem số tiền vay từ ngân hàng này để đầu tư vào dự án bất động sản của Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín. Đây cũng là dự án do chính ông Dừa làm chủ đầu tư.

Thanh tra thành phố và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM đã vào cuộc làm rõ các vi phạm của việc thế chấp, vay vốn trên. Sau khi kiểm tra, xác minh, Sở Tài nguyên - Môi trường đã kết luận Công ty Đặng Trần, Công ty Việt Tín, Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ mang khu đất đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.

Khu đất "vàng" xin làm dự án Bệnh viện Ngọc Tâm có giá trị thị trường rất lớn. Ảnh: Bảo Bảo

Vào tháng 1.2023, UBND TPHCM chỉ đạo xem xét, thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án, thu hồi 2,9 ha đất đã cấp cho Công ty Đặng Trần để nhà nước quản lý, giao đơn vị có năng lực đầu tư bệnh viện.

UBND TPHCM yêu cầu CTCP Bệnh viện Ngọc Tâm có trách nhiệm bàn giao khu đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) để quản lý theo quy định; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với nhà nước, các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định. Trung tâm phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý khu đất. Đề xuất phương án sử dụng đất, trình Sở Tài nguyên - Môi trường để tham mưu cho UBND TPHCM. UBND TP Thủ Đức được giao quản lý khu đất, tránh để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, không phép.

Tuy nhiên, cũng theo tìm hiểu của phóng viên báo Lao Động thì cho tới nay, phía Trung tâm phát triển quỹ đất vẫn chưa tiếp nhận được khu đất công này.

Cổ đông công ty lo lắng vì mất vốn đầu tư

Không chỉ phanh phui việc trục lợi đất công, trước bối cảnh dự án bị thu hồi, Công ty Đặng Trần của đại gia Phước Dừa còn bị cổ đông, đối tác tố cáo nhiều vấn đề liên quan đến việc góp vốn. Theo đó, các cổ đông của Công ty Đặng Trần đã có đơn đến Công an TPHCM tố cáo ông Đặng Phước Dừa có dấu hiệu vi phạm quản lý đất đai khi khu đất được nhà nước giao làm bệnh viện được miễn tiền sử dụng đất nhưng ông này đã đem thế chấp ngân hàng vay hơn 220 tỉ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân như mua bất động sản, cổ phần, cổ phiếu.

Bên cạnh đó, việc ông Dừa tiến hành bán dự án Bệnh viện Ngọc Tâm cũng đang xảy ra nhiều tranh chấp. Phản ánh đến phóng viên báo Lao Động, bà Phan Thị Ngân (ngụ tại TPHCM) cho hay, đã đặt cọc 140 tỉ đồng để mua 95% cổ phần Công ty Bệnh viện Ngọc Tâm với tổng giá trị 560 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó, do có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng nên bà Ngân đã kiện ông Dừa ra Toà án Nhân dân TPHCM. Vụ kiện đang được toà xem xét do phát hiện có nhiều vấn đề trong việc ông Dừa không phải là người chủ sở hữu, không có uỷ quyền từ các cổ đông nắm 95% cổ phần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn