MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển công trình xanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Ảnh: BẢO BẢO

Xu hướng công trình xanh từ năng lượng, vật liệu đến không gian sống

Lan Hương LDO | 02/11/2023 10:04

Net Zero là từ khoá nóng và đã lan sang lĩnh vực bất động sản. Giờ đây các chủ đầu tư cần giải bài toán vốn cho các công trình xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero Energy. Công trình xanh không chỉ đơn giản là có cây xanh, mà công trình xanh là phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành.

Công trình xanh Việt Nam chưa phát triển

Vì sao công trình xanh, phát triển bền vững chưa phát triển ở Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Bích Ngọc - Giám đốc Sen Vàng Group - cho biết: Việt Nam hiện chỉ có khoảng 300 công trình xanh. Việc phát triển công trình xanh cần phải làm từ giai đoạn tiền phát triển, trước khi cả bản thiết kế. Hiện việc xây dựng công trình xanh là không bắt buộc. Nhiều chủ đầu tư e ngại do phải thay đổi nhiều quy trình trong quá trình phát triển dự án.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Lê Trung Thành cho rằng, vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển. Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như đảm bảo về chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng.

Nhu cầu bất động sản xanh ở Việt Nam đang tăng

Theo nghiên cứu của Reuta, sự yêu thích xanh của người tiêu dùng Việt đang tăng. Khảo sát trên mạng xã hội về mong muốn, tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng cho thấy đã có sự thay đổi. Trước đây, khách hàng mua bất động sản quan tâm nhiều nhất về giá và vị trí, nhưng giờ đây các từ khoá về hệ sinh thái xanh môi trường xanh, thảm thực vật, cây xanh, công việc đã tăng lên cao.

Tuy nhiên, nếu chỉ có cây xanh thì không phải là công trình xanh mà công trình xanh là phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành… Vì vậy, cần phân biệt rõ chứng chỉ xanh và công trình xanh. Bởi chứng chỉ xanh không phải là tất cả. Theo bà Ngọc, thông thường các công trình xanh hiện nay chỉ góp mặt ở khâu thiết kế. Tuy nhiên, để là một công trình xanh đúng nghĩa, chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược xanh bền vững, thể hiện rõ từ khâu đầu cho đến khâu cuối trong quy trình phát triển dự án của mình.

Cụ thể là từ khâu tìm kiếm đất, phát triển sản phẩm, triển khai sản xuất, triển khai bán hàng, vận hành quản lý sau bán hàng cho đến khâu cuối cùng là quản lý sản phẩm khi đi vào sử dụng.

Khó khăn về vốn cho công trình xanh

Trong quan điểm của nhiều chủ đầu tư, công trình xanh có thể làm tăng chi phí, câu hỏi là liệu có bán được sản phẩm ra thị trường với giá cao hơn không? Nếu làm công trình xanh thì lợi ích lâu dài là gì?

Theo các chuyên gia, để hóa giải áp lực chi phí trong việc phát triển công trình xanh, chủ đầu tư nên hướng tới thực hiện công trình thân thiện môi trường từ các lợi ích cốt lõi của thiết kế, thay vì thiết kế theo quy trình cũ và cần chỉ bổ sung thêm các đầu mục xanh để lấy điểm cho chứng chỉ. Lợi ích cốt lõi của thiết kế bao gồm: tối ưu chi phí đầu tư để giảm giá thành, tăng cao tối đa có thể hiệu quả năng lượng trong điều kiện chi phí cho phép song song với kiểm soát cẩn thận chất lượng môi trường trong nhà.

Bà Ngọc cho rằng, các chủ đầu tư cần thay đổi tư duy, chứng chỉ xanh không chỉ là cho có mà phải là chiến lược liên quan đến kinh doanh, gia tăng giá trị kinh doanh cho chủ đầu tư và trực tiếp liên quan đến quyền lợi khách hàng.

“Tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang nhận được ưu đãi. Có nhiều quỹ quốc tế quan tâm đến tài trợ xanh nhưng mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp bất động sản chưa nhiều. Nếu khu công nghiệp không có chứng chỉ xanh thì làm thế nào anh có thể thu hút các doanh nghiệp FDI lớn vào khu công nghiệp?” - bà Nguyễn Bích Ngọc cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn