MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ths. Nguyễn Duy Thanh - Giảng viên bộ môn Kiến trúc Môi trường - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng. Ảnh: NVCC

Xu hướng phát triển công trình xanh

TUYẾT LAN (thực hiện) LDO | 12/10/2023 15:28

“Việt Nam thiếu cơ chế, chính sách cần thiết lập quy chuẩn đồng bộ về định nghĩa công trình xanh” - Ths Nguyễn Duy Thanh - Giảng viên Trường Đại học Xây dựng - nhận định trong buổi trao đổi với PV Báo Lao Động xoay quanh sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Thưa ông, công trình xanh ở Việt Nam đang phát triển như thế nào?

- Những năm gần đây, xu thế phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam đang phát triển. Một số tiêu chuẩn về công trình xanh được áp dụng ở Việt Nam như LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore). Xu thế phát triển công trình xanh đang thấm dần vào nhiều đối tượng: kiến trúc sư, chủ đầu tư, các nhà phát triển phần mềm, sinh viên…

Trong các cuộc thi kiến trúc trong nước và quốc tế, tiêu chí chấm điểm cho các công trình xanh được chú trọng và nâng cao. Cùng một thể loại công trình là trường học hoặc tòa nhà văn phòng, nếu có giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng, thiết kế bền vững hay vật liệu không hàm chứa carbon sẽ được đánh giá cao hơn những công trình được xây dựng thông thường.

Nhiều hội thảo được tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn sinh viên các phần mềm mô phỏng thiết kế các dự án tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Tuy nhiên, thực tế số lượng công trình xanh ở Việt Nam được chứng nhận bởi hệ thống, tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới vẫn chưa nhiều.

Phát triển công trình xanh ở Việt Nam đang gặp khó khăn, rào cản nào, thưa ông?

- Rào cản đầu tiên chính là về định nghĩa công trình xanh. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về chứng chỉ xanh cũng như bộ tiêu chuẩn riêng về công trình xanh. Cơ chế chính sách chưa định hướng bắt buộc các công trình phải phát triển theo hướng xanh hoá.

Thứ hai, nhiều người vẫn có tâm lý xây dựng công trình xanh chưa thực sự cần thiết. Một số dự án làm theo các tiêu chí, chứng chỉ, khung chính sách chỉ để được thông qua và đi vào vận hành chứ không phải theo mong muốn của chủ đầu tư hướng đến sự phát triển bền vững.

Nhiều người đang nhầm lẫn khi nghĩ một công trình xanh là công trình có nhiều cây xanh. Cây xanh chỉ là một trong nhiều yếu tố để tạo nên một công trình xanh. Công trình xanh là ngay khi xây dựng đã sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường, hàm chứa ít carbon. Trong quá trình vận hành, giúp tiết kiệm điện, nước, giảm phát thải khí nhà kính.

Trước đây, thiết kế theo hướng dập khuôn, kiến trúc sư thiết kế, sau đó các cái kỹ sư tính toán nhưng không có sự bao quát về năng lượng. Nhưng thực tế, ngay từ đầu phải cùng nhau giải bài toán cân bằng, xây dựng công trình xanh để có giải pháp tổng thể.

Thứ ba, nguồn lực về kinh tế và khoa học kỹ thuật của nước ta vẫn chưa mạnh.

Theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào để tạo đà cho công trình xanh phát triển ở Việt Nam?

- Đầu tiên, đối với cơ chế, chính sách cần thiết lập quy chuẩn đồng bộ về định nghĩa công trình xanh. Đồng thời, có những quy định bắt buộc đối với các công trình được cấp pháp xây dựng phải đảm bảo những yêu cầu về phát triển bền vững. Một số nước phát triển hiện nay có những bộ luật cụ thể, bắt buộc các công trình phải đảm bảo phát triển bền vững. Ví dụ, công trình xây dựng trên bao nhiêu mét vuông thì phải trả lại bấy nhiêu thảm thực vật.

Ngoài ra, để phát triển bền vững, lâu dài cần có sự thay đổi từ tâm lý và nhận thức. Chúng ta có thể thực hiện giải pháp từ giáo dục. Đưa xu hướng xanh hoá, phát triển bền vững về công trình xanh để giáo dục, nâng cao hiểu biết ngay từ lứa tuổi học sinh. Ngoài ra, cần nhiều chương trình, truyền thông về công trình xanh để xu hướng này được nhiều người quan tâm và biết đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn