MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Yêu cầu các tỉnh thành báo cáo quỹ đất dành cho xây nhà ở xã hội

Phan Anh LDO | 22/07/2019 12:06
Để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. 
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: LDO

Theo đó Bộ Xây dựng được giao kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019.

Để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Số liệu từ Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ.

Trong đó, TPHCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn...

Hà Nội xây dựng mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 cần hơn 4.676.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân khoảng hơn 567,5 m2 sàn.

TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, thành phố có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.

Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội tại đô thị, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Thống kê cho thấy, sở hữu nhà ở tại Việt Nam ở mức trung bình 24-25m2/người nhưng thực tế có những hộ gia đình sở hữu hàng trăm m2/người trong khi nhiều hộ chỉ dưới 6m2/người.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, nhà ở xã hội phát triển mạnh từ năm 2009 với các Nghị quyết của Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, sinh viên. Thời điểm đó, Chính phủ bỏ ra 17.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, dù khung chính sách rất tốt nhưng vẫn thiếu "ý thức và sự thành tâm của một bộ phận lãnh đạo, kể cả cấp bộ ngành trung ương khi chưa thực sự phục vụ nhân dân, chưa nhận thức đúng trách nhiệm".

Thời gian gần đây, tranh chấp liên quan đến quỹ đất đô thị dành cho xây nhà ở xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn. Ảnh: Phan Anh

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TPHCM - cho rằng, nguồn cung ít đã dẫn đến việc một số chủ đầu tư dựa vào mác nhà ở xã hội để trục lợi. 

Trong khi đó, cảnh báo về rủi ro nhà ở xã hội bán sai đối tượng, LS Bùi Sinh Quyền - Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ - phân tích, do nhu cầu nhà ở xã hội là lớn, trong khi nguồn cung có phần hạn chế, nhất là đối với những dự án NƠXH có hạ tầng tốt làm nảy sinh tâm lý sốt ruột, nôn nóng muốn thuê, mua.

Chính tâm lý này của khách hàng đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư ra các chiêu trò để trục lợi. Cũng theo ông Quyền, bán sai đối tượng nhà ở xã hội nếu xảy ra tranh chấp hoặc quá trình sử dụng nhà có vấn đề gì thì người mua hoàn toàn gánh chịu rủi ro.

“Nếu ai đó kiện người bán hoặc cơ quan liên quan thì không có cơ sở pháp lý, pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà” - LS Quyền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn