MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động cải tạo biệt thự cũ. Ảnh: Quang Duy

Yêu cầu chủ sở hữu chấp hành quy định về cải tạo và bảo trì biệt thự cũ

Gia Miêu LDO | 23/03/2021 15:38

Do việc quản lý chưa chặt chẽ, nên vẫn đang có tình trạng chủ sở hữu nhiều căn biệt thự cũ đã tự ý sửa chữa, cơi nới, cải tạo không đúng hiện trạng ban đầu, thậm chí phá dỡ để xây mới.

TP.HCM là địa phương có số lượng biệt thự cũ rất lớn với hàng nghìn căn biệt thự cũ lớn nhỏ; trong đó, có nhiều biệt thự có tuổi đời hàng trăm năm, có nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, do việc quản lý chưa chặt chẽ, bất cập, đồng bộ nên công tác bảo tồn hiện nay gặp nhiều khó khăn, chủ sở hữu nhiều căn biệt thự cũ đã tự ý sửa chữa, cơi nới, cải tạo không đúng hiện trạng ban đầu, thậm chí phá dỡ để xây mới.

Ủy ban nhân dân TP.HCM mới đây đã ban hành Quyết định số 934 về danh mục biệt thự cũ trên địa bàn thành phố đã được phân loại. Theo đó, có 20 biệt thự cũ được phân loại theo 3 nhóm.

Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thực cũ thuộc danh mục nêu trên có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ. Trong đó, tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở. Trường hợp là biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước phải thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trường hợp là biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa.

Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 1 phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 2 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 3 thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Khoản 4 Điều 87 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội. Cụ thể, không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ. Không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng; trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ. Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.

UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ, nhất là các biệt thự cũ đã được phân loại vào nhóm 1, nhóm 2 và các biệt thự cũ đang trong quá trình được phân loại; chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái quy định pháp luật.

Chỉ ra nguyên nhân tồn tại khiến việc bảo tồn di sản, di tích còn nhiều hạn chế, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng kiến thức của đội ngũ quản lý nhà nước nói chung và đội ngũ quản lý các di tích nói riêng không theo kịp sự phát triển của xã hội. Chưa kể, quyết tâm bảo tồn không đủ nên nhiều di sản giá trị không giữ được. Theo TS Võ Kim Cương, để công tác bảo tồn hiệu quả, nhà nước phải có chính sách hài hòa giữa chủ sở hữu di sản và cơ chế bảo tồn, song song đó công khai thông tin, quy hoạch quanh di tích để người dân được rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn