MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân chuẩn bị lên xe ở điểm đón xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre

“Đột kích” những chuyến xe đêm của công nhân: Hiểm nguy rình rập mỗi bước chân

Lê Tuyết LDO | 08/10/2014 13:30
Để lên được tới công ty, nhiều người ở gần lộ thì khỏe, bước vài bước là ra tới điểm đón xe, những người ở vùng sâu phải chèo đò qua sông, lội ruộng rồi chạy thêm một chặng xe máy nữa mới tới điểm đón. Nguy hiểm rình rập từng phút trên mỗi chặng đường các chị đi qua.

“Đi làm rồi ai cũng sụt vài ký bởi thiếu ngủ triền miên. Nhưng ở quê không có đất ruộng gì hết em ơi, mình mà không đi làm thì con cái lấy cái gì mà ăn, tiền đâu đóng học phí. Mùa màng thất bát, được chăng hay chớ, mình mà ở nhà là dành việc của chồng đó”, chị Nguyệt, làm công nhân ở Cty PouYuen đã hơn 10 năm, quê xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre đùa. 

Đối với những gia đình thuần nông như nhà chị Nguyệt, một người đi lên Sài Gòn đi làm công nhân chính là cứu cánh. “Nhờ vậy mà vợ chồng tôi nuôi được một đứa con học xong đại học, một đứa đang học lớp 10 đó cô. Cơm nước ở nhà đã có chồng lo, mỗi tháng vợ chồng tôi dư ra 5 triệu là tiền lương của tôi. Ở thành phố, 5 triệu là không nhiều, chứ ở quê là cả một mùa lúa chứ chẳng chơi”, chị Nguyệt phân trần.

Công nhân chuẩn bị lên xe ở điểm đón xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre

Để lên được tới công ty, nhiều người ở gần lộ thì khỏe, bước vài bước là ra tới điểm đón xe, những người ở vùng sâu phải chèo đò qua sông, lội ruộng rồi chạy thêm một chặng xe máy nữa mới tới điểm đón. “Nhà tôi xa, phải chèo xuồng qua một con sông. Mỗi ngày đi làm tôi mang theo một bộ áo quần dự phòng, bỏ vào bọc ni-lông cột kín lại, phòng khi mưa ướt còn có cái thay. Có hôm vội vàng, sợ trễ giờ, lại mệt và buồn ngủ, chèo không cẩn thận nên bị lật xuồng. May mà biết bơi nếu không thì….”, chị Mai, đi xe tuyến Mộc Hóa – Long An, kể. Chị Mai làm ở PouYuen đã được 3 năm, lương mỗi tháng gần 4 triệu đồng. Chị bảo “đó gần như là nguồn thu chủ yếu của gia đình mình”.

“Có chị để kiếm tiềm chữa bệnh cho má đã xin đi làm công nhân. Nhà nghèo, lại ở xa con lộ, đêm hôm chị ấy phải lội qua một cánh đồng mới tới được điểm đón xe. Nhiều lúc đã quá trễ giờ xe chạy nhưng nhà xe cũng kiên nhẫn đợi, anh tài xế thương, không cả lấy tiền xe. Làm được một thời gian, thuốc thang nhưng má của chị ấy không qua khỏi. Chân chị ấy lội bộ mấy tháng ròng rã cũng bị đau, giờ chị ấy không đi làm nữa”, chị Phúc, công nhân trên chuyến xe Tân Thạch – Châu Thành (Bến Tre) tần ngần nhớ lại.

Ánh sáng tù mù từ chiếc điện thoại soi đường

Các chị kể, đi làm vào lúc nửa đêm gặp đủ chuyện nguy hiểm hoặc trời ơi đất hỡi, nhiều lúc dở khóc dở cười. “Có hôm tăng ca về khuya, chưa kịp ăn uống đã lao vào ngủ vì mệt. Sáng dậy sớm không nổi, nhà xe đợi mãi không thấy người đâu, đến lúc điện thoại reo inh ỏi mình mới sấp ngửa bật dậy đi làm. Mặc luôn bộ đồ dơ hay xỏ luôn bộ đồ mới, thậm chí quơ đại bộ áo quần nào đó, hốt vội miếng cơm cho vào cạp lồng. Chạy ra xe mà hai con mắt ríu lại, vừa chạy vừa ngủ. Vậy mà cũng đã gần 16 năm”, chị Phương nhớ lại.


16 năm chạy sắp chạy ngửa. 16 năm giấc ngủ không tròn. Đôi mắt chị thâm quầng. Đôi mắt ấy từng một thời là thiếu nữ với những ao ước đẹp đẽ về một cuộc sống, một công việc không quá nhiều nhọc nhằn...


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn