MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cờ bạc làm tan cửa, nát nhà nhiều gia đình. Ảnh Minh họa

“Ai biểu ông bà sinh tôi ra làm gì”?

Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 25/12/2016 11:00
Ông bà Năm cưới nhau đã hơn 50 năm. Sau khi sinh được 4 cô con gái, trông chờ mãi, cuối cùng ông bà cũng có được mụn con trai. Chính vì vậy ông bà Năm rất thương và nuông chiều cậu Út. Trong nhà ai ai cũng phải nghe lời cậu Út, chỉ cần làm trái ý  một chút là cậu Út sẽ gào thét, làm mình, làm mẩy. Rồi tiếp theo, chuyện sẽ đến tai ông bà Năm. Lúc này, người dám làm cậu Út phật lòng thì có đúng cũng bị biến thành sai vì dưới mắt ông bà Năm, cậu lúc nào cũng đúng. Do vậy, mọi người luôn phải đáp ứng tất cả nguyện vọng và yêu cầu của cậu Út.

Từ hi vọng đến thất vọng

Ông bà Năm cũng thường nói với nhau là chỉ có thằng Út nhà này mới gánh vác được những chuyện từ lớn đến nhỏ trong gia đình. May mà có thằng Út, chứ mấy cô con gái thì cũng chẳng cậy nhờ gì, vì các cô con gái lớn lên đi lấy chồng, cũng thành con nhà người ta. Rồi chuyện ma chay, thờ tự sau này, mọi chuyện cũng đến tay thằng Út thôi. Theo thời gian cậu Út và bốn cô chị lớn lên, ông bà Năm cũng già đi. Cả bốn người chị gái đều lần lượt đi lấy chồng, sinh con, còn cậu Út vẫn độc thân dù đã ngoài ba mươi tuổi. Trái với mong muốn của ông bà Năm, cậu Út gánh vác chuyện gia đình đâu không thấy mà chỉ thấy tối ngày chơi bời lêu lổng, cờ bạc, rượu chè mà chẳng lo phấn đấu học hành, làm việc gì cả. May mà còn chưa dính đến ma tuý! Tuy vậy ông bà Năm vẫn hy vọng một ngày nào đó cậu Út biết suy nghĩ lại, tu chí làm ăn để nên người có thể cậy nhờ. Dù không hài lòng về cậu Út, nhưng ông bà vẫn không dám trò chuyện với các cô con gái. Thậm chí, mỗi lần mấy người con gái về thăm cha mẹ và tỏ ý chê trách cậu Út  không biết chăm sóc cha mẹ, không biết phấn đấu vươn lên trong cuộc sống là ông bà còn la mắng họ. Không những vậy cả hai ông bà đều thống nhất sẽ lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho cậu Út. Chuyện chưa dừng tại đó. Cậu Út biết được ý định của ông bà Năm là sẽ để lại toàn bộ tài sản cho mình nên cậu càng mạnh tay hơn khi đánh bạc. Ông bà xưa đã nói “cờ bạc là bác thằng bần” quả không sai. Chẳng có ai giàu có được từ cờ bạc mà chỉ có tán gia bại sản mà thôi. Cậu Út cũng không ngoại lệ. Hằng ngày dù tuổi đã cao nhưng ông bà Năm vẫn phải ngồi tiếp chủ nợ và đứng ra trả nợ thay cho cậu Út. Quá mệt mỏi và chán nản, ông bà Năm quyết định phải đi nhờ luật sư tư vấn. Vì nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì ông bà cũng chẳng còn cái nhà để ở khi còn sống chứ đừng nói đến chuyện để lại tài sản cho cậu Út khi ông bà qua đời.
Giải quyết cho trường hợp của ông bà Năm, chúng ta cần phân định rõ trách nhiệm trả nợ cho những khoản nợ mà cậu Út gây ra thuộc về ai, ông bà Năm hay cậu Út? Rõ ràng, cậu Út năm nay đã ngoài 30 tuổi tức là đã đủ tuổi thành niên, là người có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể:
Điều 14 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân như sau: Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.
Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được thể hiện ở Điều 15 Bộ luật Dân sự 2005, cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây: Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản; Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản; Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 17 Bộ luật Dân sự năm 2005: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự của người thành niên được quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự 2005: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự - Điều 22 BLDS 2005 và các trường hợp bị hạn chế năng lực hành vi dân sự - Điều 23 BLDS 2005.

Chỉ mong con tỉnh ngộ

Như vậy hiển nhiên những khoản nợ mà cậu Út gây ra thì cậu phải tự gánh vác chứ ông bà Năm không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho cậu, trừ khi ông bà tự nguyện và có cam kết trả nợ thay. Chưa kể đến việc cậu Út tham gia cờ bạc không hợp pháp thì tuỳ mức độ mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc trái phép. Nếu ông bà Năm thương cậu Út thì đừng tiếp tục trả nợ thay mà hãy để cậu Út phải tự chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái của chính mình.
Sau khi đi nhờ luật sư tư vấn, ông bà Năm quyết định nói chuyện thẳng thắn với cậu Út rằng từ giờ trở đi, ông bà sẽ không trả nợ thay nữa và yêu cầu cậu phải chấm dứt ngay hành vi đánh bạc. Nếu không thì cậu Út phải ra khỏi nhà vì ông bà Năm sẽ không chấp nhận tiếp tục nuôi dưỡng và chu cấp nữa. Cậu Út quá bất ngờ trước sự nghiêm khắc và dứt khoát đột ngột của ông bà Năm, gào lên: “Ai biểu ông bà sinh tôi ra làm gì? Nếu ông bà đã sinh tôi ra thì phải có trách nhiệm với tôi suốt cả cuộc đời này. Ông bà không có bất cứ quyền gì để đuổi tôi ra khỏi căn nhà này. Căn nhà này trước sau gì cũng là của tôi, ông bà hiểu chưa???”. Thật sự, không ai có thể chấp nhận cách cư xử và giọng điệu mà cậu Út dành cho cha mẹ của mình một các hỗn hào như thế. Cậu Út đã trên 18 tuổi, cũng không mất năng lực hành vi dân sự, nên phải chịu trách nhiệm và tự lo cho cuộc đời của mình. Chưa kể đến việc cậu còn phải có nghĩa vụ chăm sóc cho cha mẹ của mình khi già yếu chứ không phải chỉ có quyền đòi hỏi cha mẹ phải chăm sóc, lo lắng cho cậu suốt cuộc đời. Thêm nữa, căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông bà Năm, nên ông bà có toàn quyền quyết định cho ai dù ông bà Năm đã lập di chúc là để lại căn nhà này cho cậu Út khi họ qua đời. Theo quy định của pháp luật dân sự thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết và di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế (tức là thời điểm người để thừa kế chết). Như vậy di chúc chỉ phát sinh hiệu lực khi người để lại thừa kế qua đời và nếu người để lại thừa kế còn sống thì họ vẫn có quyền định đoạt đối với tài sản này. Chứng kiến cảnh cậu Út phản đối và đưa ra những đòi hỏi vô lý đối với mình, ông bà Năm mới nhận ra đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong cách dạy dỗ và nuông chiều cậu Út bấy lâu nay. Ông bà Năm chợt thức tỉnh và quyết định để cứu cuộc đời cậu con trai duy nhất, từ giờ trở đi, ông bà không chấp nhận trả nợ thay cho cậu Út nữa. Ngoài ra ông bà Năm còn thống nhất sẽ huỷ bỏ di chúc đã lập về việc để lại căn nhà mình  đang ở cho cậu Út để loại bỏ tư tưởng là căn nhà này trước sau cũng thuộc về cậu ấy. Chỉ có thế, mới hy vọng cậu Út tỉnh ngộ.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn