MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa - Minh Quân

Bí mật những mảnh đời: Đứa con nuôi... “quý tử“

Nguyễn Đình San LDO | 16/04/2017 09:10
Do nhà nghèo, lại sớm mồ côi mẹ, phải ở với ông bà ngoại (bố đi lấy vợ khác), mà tôi chỉ học hết cấp 2 rồi phải nghỉ, ở nhà phụ giúp ông bà ngoại làm ruộng vườn. Trong làng, ai cũng nói tôi tội nghiệp, trông xinh xẻo mà số khổ, phải làm ruộng chân lấm tay bùn. Nhiều người xui tôi lấy quách ai giàu có ở thủ đô hoặc trên thị xã, vĩnh viễn thoát cảnh lam lũ nghèo hèn. Họ bảo gái như tôi, đàn ông nào có tiền cũng muốn lấy. Họ sẽ nuôi, tôi chẳng phải làm gì. Nhưng khi ấy tôi đã lớn, biết nghĩ, vừa thương ông bà ngoại già yếu, vừa không thể lấy chồng mà mình lại không yêu nên đã không chấp nhận ai, mặc dù không ít người buôn bán, giàu nứt đố đổ vách đánh tiếng.

Năm 20 tuổi, tôi quen rồi yêu Tiến khi ấy là sinh viên năm cuối một trường đại học ở Hà Nội về thực tập tại quê nhà. Anh cùng huyện với tôi nhưng khác xã. Đó là mối tình đầu của chúng tôi. Cảm giác ngon ngọt, ngây ngất khiến tôi lao vào mối tình thật đam mê mà quên đi tất cả. Mọi nỗi vất vả, cơ cực của cuộc sống lam lũ chốn đồng ruộng bỗng dưng tan biến. Qua đi những ngày bàng hoàng buổi đầu, tôi bàn chuyện tương lai với Tiến thì anh hứa sẽ thu xếp để nhanh chóng cưới nhau sau khi anh ra trường. Chúng tôi yêu nhau suốt thời gian Tiến thực tập. Trở về trường trên Hà Nội, anh vẫn thư từ cho tôi đều đặn. Nhưng đến khi tốt nghiệp đại học, Tiến đã trắng trợn phản bội tôi để yêu một cô gái khác người Hà Nội, nghe nói không xinh bằng tôi, nhưng con một nhà có thế lực. Tôi choáng váng, suy sụp, không còn thiết ăn uống, làm bất cứ việc gì. Tôi đã tìm đến cái chết bằng việc ra cầu nhảy xuống sông nhưng có người kéo vó nhìn thấy, bơi ra cứu được. Tôi chỉ bị uống no nước. Sau một hồi được hô hấp nhân tạo, tôi đã hồi phục

Tôi tiếp tục những ngày buồn bã ở quê với công việc đồng áng, chăn nuôi lợn, gà. Rất nhiều đàn ông lại tiếp tục đánh tiếng, muốn lấy tôi làm vợ, trong đó có cả người ít tuổi hơn. Nhưng tôi đều thờ ơ và nhìn họ bằng đôi mắt hồ nghi. Năm tháng trôi đi, ông bà ngoại tôi lần lượt qua đời. Một mình tôi trông nom ngôi nhà vắng lạnh, lại càng buồn hơn. Cho mãi tới năm tôi 32 tuổi, duyên số thế nào gặp được một người thương binh ở xã bên tên là Công. Anh goá vợ, chưa kịp có con thì vợ ốm chết. Công hiền lành, tử tế, chịu khó làm ăn. Khác với nhiều người đàn ông khác, anh không hề để ý gì đến tôi. Đến khi quen biết, anh chỉ thể hiện sự rộng lòng giúp đỡ tôi. Thương anh lủi thủi một mình trong cuộc sống khốn khó, tôi nhận lời làm vợ anh từ sự “bắc cầu” của một người là cô họ của anh. Nhưng số tôi thật hẩm hiu, sống với nhau được hơn 2 năm, tôi vẫn không có con. Công buồn bã, suốt ngày lầm lỳ, chẳng nói một lời. Tôi biết rõ tâm trạng anh nên cũng đành im lặng. Cuộc sống vợ chồng trở nên quá ngột ngạt. Rồi bỗng một lần, Công nói thẳng với tôi:

- Cái số tôi vô phúc, gặp hai người đàn bà đều không đẻ được. Người vợ trước sống 5 năm không đẻ. Cô ấy mất sau một trận cảm đột ngột. Giờ đến cô. Tôi rất cần có con nên mong cô thông cảm, cho tôi được đi lấy người khác.

Tôi quá tủi, chưa biết nói thế nào thì anh tiếp :

- Cô không có gì đáng chê trách. Nhưng vì “điếc”, không đẻ được nên hãy thông cảm cho tôi.

Đến lúc này, tôi không thể nhẫn nhịn. Không cần giữ gìn, tôi đã nói thẳng với Công:

- Sao anh không nghĩ là chính mình gây ra việc đó? Vì cả hai người đàn bà liên quan đến anh đều không đẻ được. Anh có khám đâu mà khẳng định là do người vợ?

Anh ta bực mình nhưng không quát mắng gì tôi, chỉ lầm lũi, im lặng.

Ngay hôm sau, Công bỏ đi. Chúng tôi sống với nhau không có giấy hôn thú nên việc bỏ đi cũng quá dễ dàng. Từ đó, tôi cảm thấy vừa chán ngấy, vừa sợ đàn ông nên đã có ý nghĩ sẽ không bao giờ lấy chồng dẫu có gặp người tốt đến đâu. Tôi cho rằng họ chỉ tốt được thời gian đầu rồi trước sau lại sẽ bỏ mình vì cái số tôi nó vậy.

Sống cô quạnh trong căn nhà vò võ một mình, tôi nảy ý nghĩ là sẽ kiếm đứa con nuôi. Đúng lúc ấy, có người mách trên bệnh viện huyện có cô gái 16 tuổi chửa hoang đẻ được thằng con trai nhưng sợ không dám bế về nhà bố mẹ, không có khả năng nuôi con một mình nên sẵn sàng cho đi. Tôi đã lên nhận nó. Thằng bé kháu khỉnh, lúc đẻ nặng 3 cân rưỡi. Mẹ nó trao cho tôi không với điều kiện gì, còn hứa sau này không nhận lại. Tuy vậy, vì thấy thương nên tôi đã vét túi cho cô ta ít tiền.

Tôi đặt tên nó là Hiếu với mong muốn sau này nó trở nên người hiếu thảo với tôi và tất cả mọi người. Năm ấy, tôi 35 tuổi. Nhưng nếu thời gian đầu, tôi cảm thấy vui, hạnh phúc bao nhiêu thì càng lớn, đứa con nuôi càng khiến tôi thất vọng bấy nhiêu. Ở trường, nó luôn gây hết chuyện này đến chuyện khác: Đánh bạn, ăn cắp rồi trấn lột thứ gì nó thích, hỗn láo với thầy cô giáo. Về nhà, tôi khuyên bảo, nó cãi lại nhem nhẻm. Qua mấy lần đúp, năm nay 17 tuổi mà nó mới học lớp 9. Nó nói sẽ nghỉ học vì chán, không muốn đến trường và luôn vòi vĩnh, xin tiền. Tôi cho nó một vài lần, nhưng nó không dừng lại, mỗi ngày lại đòi hỏi nhiều hơn. Tôi không cho, nó đã tỏ ra rất hỗn láo và xưng hô luôn là “bà”, “tôi” khiến tôi phải khóc.

- Thôi, bà đừng khóc nữa. Cứ đưa tiền cho tôi rồi mọi việc lại sẽ đâu vào đấy.

- Nhưng mẹ có đâu mà cho con.

Nó quát tôi:

- Tôi hỏi lần cuối cùng: Bà có đưa không?

Tôi vừa đau lòng, vừa sợ nên quỳ dưới chân nó:

- Con ơi, mẹ lạy con! Mẹ làm gì có tiền mà cho con.

- Bà đừng dối tôi. Vì tôi chỉ là con nuôi nên bà không thương, không thèm cho chứ gì?

- Tuy mẹ không đẻ ra con nhưng nuôi con từ lúc con còn đỏ hỏn. Mẹ không có nguồn vui nào khác ngoài con. Sao con nỡ đối xử với mẹ như vậy? Nhưng mà con cần tiền làm gì thì phải nói chứ. Nếu việc cần, không có, mẹ cũng sẽ đi vay. Mẹ có tiếc gì với con đâu.

Nó xô tôi ngã ra nền nhà:

- Tôi cần tiền mua thuốc, bà biết không?

- Thuốc gì? Con có nghiện thuốc lá, thuốc lào gì đâu?

- Bà ngu lắm! Thuốc đấy thì nói làm gì.

Trời ơi! Thế là tôi biết nó nghiện hê-rô-in từ lúc nào. Tôi lại càng khóc to hơn:

- Con giết mẹ rồi con ơi!

Nó bắt đầu lên cơn nghiện, mắt nó lờ đờ, người xiêu vẹo. Nó vào bếp lấy con dao nhọn giơ trước mặt tôi:

- Bà có đưa tiền không? Tôi lên cơn rồi, bà không đưa, tôi đâm chết.

Trong cơn nguy khốn, cảm thấy nó hoàn toàn có thể đâm mà không doạ, tôi buộc phải đưa tiền cho nó. Cầm tiền, nó liệng dao vào bếp rồi lấy xe đạp phóng đi.

Việc nó nghiện hê-rô-in, tôi đã không biết gì. Nay nhớ lại, tôi mới thấy gần đây, nó có nhiều biểu hiện khác. Nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ nó mệt mỏi hoặc buồn phiền chuyện gì với bạn bè. Giờ đây, nó đã là tai hoạ đối với tôi. Từ khi biết nó nghiện, tôi như người hoảng loạn. Cuộc đời tôi thế là tiêu tan hết mọi hy vọng. Nuôi nó suốt 17 năm, nay nó đền đáp tôi như thế. Thật là mỉa mai cái tên Hiếu tôi đặt cho nó.

Thưa các anh chị. Tôi biết phải làm gì với nó bây giờ? Tôi căm thù kẻ nào đó đã cho nó biết nó không phải do tôi đẻ ra. Tôi cần xử lý họ như thế nào?

(Phan Thị Mơ - Yên Mô, Ninh Bình)

Nhà văn, TS Nguyễn Đình San:

Trước hết, bà không nên theo đuổi việc truy tìm người nói sự thật về đứa con nuôi. Bà thù oán người ta phỏng có ích gì? Còn về Hiếu, bà nên nói với chính quyền đưa nó đi trại cai nghiện. Còn ở nhà, nó sẽ có thể gây hiểm hoạ cho bà bất cứ lúc nào. Bà đã nhân từ, dồn hết tình cảm cho nó nhưng nó bộc lộ rõ sự bất hiếu, bất nhân, thiết nghĩ cũng chẳng luyến tiếc làm gì. Nếu sau khi cai nghiện, nó hoàn lương trở nên một đứa con biết hối cải thì bà hãy rộng lượng để tiếp tục thương nó, còn vẫn bất trị như cũ thì thôi, coi như mình đã phí công làm một việc vô ích. Có con - lại là con nuôi- mà như vậy thì chỉ “nuôi ong tay áo”, làm ơn mang hoạ mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn