MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ấm áp tết Việt (ảnh minh họa, nguồn internet).

Cái Tết đầu tiên

Duy An LDO | 06/01/2017 11:17
Cô bạn đồng nghiệp trẻ hỏi tôi Tết nên mua gì làm quà cho nhà chồng? Sẽ chẳng phải vấn đề gì to tát nếu năm nay không phải cái Tết đầu tiên cô ấy làm dâu, dù không sống cùng bên chồng. Không dưng, cô ấy làm tôi nhớ về cái Tết đầu tiên bên chồng của mình, cái ấn tượng đầu tiên không hẳn vui hay buồn, nhưng rõ thật khó quên.

Nhà chồng tôi người Bắc, một đại gia đình truyền thống đúng nghĩa nên rất coi trọng lễ nghi. Nhà chỉ có vợ chồng tôi sống ở thành phố, cả năm về thăm vài lần nên được nghỉ Tết là chúng tôi về ngay. Từ tối 28 Tết, nhà đã chuẩn bị nấu bánh chưng, nồi bánh cả năm chục cái chứ ít gì nên các công đoạn không hề ít. Từ rửa lá, đãi đậu, xào nhân đến gói bánh... nhưng dường như mấy chị em bên chồng đã quá ngán ngẩm với những công việc này mỗi năm nên thấy tôi về, họ tìm cách lảng để cô dâu mới là tôi ôm trọn. Mà phần lớn bánh nấu là để biếu chứ người trong nhà chỉ cần nghe nhắc bánh chưng là đã ngán tận cổ.
Lúc ở nhà, Tết nhất mẹ tôi chỉ chuẩn bị vài món đơn giản để cúng, còn thì hầu hết là mua sẵn ở ngoài nên nhìn mớ việc bày ra chỉ nội cho việc nấu bánh chưng, tôi đã thấy... hãi! Mẹ chồng còn bảo tôi mua sẵn cả chục phần quà để biếu các bậc trưởng lão trong họ, xem như lời chào từ cô cháu dâu mới. Tốn kém đã đành, nhưng tôi thực sự thấy ngại vì tính hình thức, xã giao của những việc tôi vốn chưa từng làm trước đó.
Chưa hết, từ sớm mùng một, con cháu trong nhà phải tề tựu đông đủ để chúc tết bố mẹ chồng trong khi tôi vẫn chưa hết uể oải do việc ngồi canh nồi bánh hai đêm trước cộng với việc dọn dẹp nhà cửa mà các chị em bên chồng đã ưu ái dành lại cho cô em dâu thành thị. Cả con lẫn cháu khoản ba mươi người, biết tính mẹ chồng khó nên chẳng ai dám vắng mặt hay đến trễ, cứ thế lần lượt chúc tuổi ông bà khiến một đứa ít lời, không mấy hoạt ngôn như tôi không chỉ thấy khó khăn khi phải “mở miệng” mà còn khó khi phải lựa câu chúc sao cho khỏi trùng với mọi người.
Chúc tết trong nhà xong, đám con cháu lại kéo nhau đi chúc tết khắp họ. Do con cháu quá đông, các bậc cao niên trong nhà lại lớn tuổi nên nhiều người chẳng biết ai là ai. Việc đi giáp vòng hơn hai mươi nhà với bấy nhiêu nghi thức xã giao quen thuộc đến nhàm chán khiến đoàn người rơi rụng dần, hầu hết tự ý bỏ về trước trong khi tôi là dâu mới phải ở lại. Kết quả của việc phơi mình dưới cái nắng gay gắt trong lớp bụi mù mịt khiến tôi muốn nằm bẹp khi về đến nhà lúc quá trưa. Nhưng nào đã xong, trong suốt ba ngày còn lại, nhà chồng tôi phải tiếp bao nhiêu lượt khách. Không biết là vinh dự hay khổ ải khi tôi được mẹ chồng kêu dọn đồ đãi khách sẵn dịp chào hỏi như một cách để bà “khoe” dâu mới. Tôi vẫn tự hỏi thời bây giờ sao vẫn có người thích nấu bánh để biếu như mẹ chồng tôi trong khi quà cáp bán đầy rẫy không thiếu thứ gì, vừa đẹp, ngon lại tiện lợi, phong phú.
Tôi cũng không hiểu sao có những thói quen xã giao mà tôi cho rằng chẳng còn mấy ý nghĩa lại được duy trì khi những người trong cuộc đều không trân trọng, thậm chí ngán ngẩm bởi tính hình thức hơn là tình cảm thực sự. Nhưng rồi tôi hiểu, tất cả mọi người đều làm những việc này chỉ để vừa lòng mẹ chồng tôi, một phụ nữ truyền thống có phần cổ hủ và hơi bảo thủ, bởi đâu chắc bà còn ở bên con cháu bao lâu nữa...
Đã nhiều mùa tết trôi qua, tôi đã quen với những cái tết bên chồng nên không còn thấy “ngán” như cái tết đầu tiên. Không thể phủ nhận, có những cái đầu tiên khiến người ta nhớ mãi. Ngược lại, có những kỷ niệm đầu tiên trở thành nỗi “ám ảnh” dai dẳng về sau, như cái Tết đầu tiên nơi quê chồng tôi nhiều năm về trước.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn