MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em là hương hoa cuộc sống chúng ta (ảnh minh hoạ: ĐN).

Cha mẹ sợ... Con

Kim Duy LDO | 08/04/2017 12:51
Tình trạng ít con ngày nay đã khiến cho không ít các bậc cha mẹ không còn khái niệm ”thương cho roi cho vọt” nữa, mà là sự chiều chuộng con đôi khi quá mức dẫn đến cha mẹ gần như “nô lệ” theo ý thích của con cái.

Cảnh mẹ một tay bế bé, một tay cầm thìa cơm đưa trước miệng bé. Bố đi phía trước làm trò cho bé há miệng… Hình ảnh hạnh phúc này không chỉ nói lên việc, nuôi con, chăm bẵm con quá cực khổ trong hiện tại mà còn nói lên viễn cảnh lâu dài cha mẹ… sợ con. Bé quen được nuông chiều, tha hồ yêu sách và dần trở thành… khó tính với cha mẹ. Bé ho cha mẹ cũng hoảng, bé khóc cha mẹ thót tim. Còn nữa, từ khi có sự hiện diện của smartphone, nhiều cha mẹ muốn được “yên thân” khi con cái đòi hỏi, đã cho con mình tự ý lướt quẹt, mà không nghĩ đó là cách nhanh nhất dẫn đến chứng cận thị, nghiện game…

Hiện nay, do điều kiện dinh dưỡng tốt, trẻ phát triển rất ...tốc độ. Mười hai tuổi con gái đã cao hơn mẹ, con trai coi mòi muốn vượt hơn bố… Sự phát lớn này cộng thêm việc cha mẹ “sợ con” đã khiến con cái trong gia đình …bình đẳng với cha mẹ hơn. Một cậu học sinh lớp 8, nổi tiếng là ngoan và chăm học. Một hôm cậu mở máy in để in văn bản từ trong máy vi tính, mẹ cậu chỉ góp ý rằng cậu nên chỉnh trang hoàn chỉnh rồi in. Chỉ vậy thôi mà cậu gắt: “Mẹ làm sao rành bằng con, mẹ không biết thì đừng góp ý!”. Một cô gái nét mặt phụng phịu vùng vằng cái áo mà mẹ cô chọn lựa mãi bao nhiêu cửa hàng mới mua được cái vừa ý và vừa túi tiền: “Con đã nói rồi, mẹ đừng tự ý đi mua áo cho con. Cái này quê lắm, con không thèm!”.

Những “bình đẳng” trong gia đình còn thể hiện qua cách xưng hô ngang hàng của con cái với cha mẹ: “bà, tui – ông, tui”. Một người mẹ vô tư kể với giọng điệu vui vẻ của người sắp xây nhà mới: “Con gái mình nói bà xây nhà sớm đi cho tui ở, kẻo sang năm tui đi học xa, bà ở một mình, mà tui lại thiệt thòi!”.

Ở những gia đình có ông, bà, con, cháu, không lạ gì cảnh con dâu cự nự bố chồng nấu nồi cơm nhão, con gái la mẹ đi hàng xóm nhiều chuyện… Đôi lúc … la mắng cha mẹ như la mắng con mình! Hay thỉnh thoảng lại góp ý : “Tánh bà khó chịu lắm, con cái nào ở cho nổi”… Tình cảnh ấy cha mẹ già còn cách nào khác ngoài .. khóc lén? (Để con cái thấy mình khóc đôi khi còn bị la dữ hơn).

Con cái được nuông chiều là trào lưu chung của xã hội hiện đại. Từ gia đình giàu có đến gia đình trung lưu hay thu nhập thấp. Ở tuổi dậy thì, đôi khi sự đòi hỏi của con cái không được đáp ứng kịp thời dẫn đến nhiều việc quá lố, tỉ như: con cái nổi giận (la mắng) cha mẹ trước bao nhiêu người, nói năng cộc lốc, thô lỗ, hỏi không thèm trả lời…. Càng lớn sự đòi hỏi của con cái càng tăng thêm theo sự chiều chuộng của cha mẹ dẫn đến hệ quả cha mẹ là nô lệ của con lúc này không hay! Đây còn là yếu tố chính của sự phát triển các mặt hàng mà đối tượng là người tiêu dùng nhỏ tuổi – cỡ nào cha mẹ cũng chiều. Các nhà sản xuất lại có dịp ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm hướng đến đối tượng tiêu dùng trẻ con! Và như thế, chiều chuộng con cái cũng là yếu tố tất yếu của sự phát triển?

Tuy nhiên, không phải tình hình chung đáng lo ngại đến như vậy! Nhiều gia đình giữ vững được kỹ cương giữa cơn bão xã hội phát triển – thời giờ thì ít mà công việc thì nhiều! Trong việc dạy dỗ con cái, họ biết ấn định mức giới hạn đòi hỏi của con một cách nghiêm khắc và cứng rắn. Thuyết phục và khuyến khích con là việc họ đã làm được để “thắng” những đòi hỏi đó.

Theo ý họ, khi cha mẹ nói không - tức là dứt khoát KHÔNG. Cha mẹ cần làm gương là lý thuyết không bao giờ cũ. Tỉ như cha mẹ chăm chỉ, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, sống chan hòa với mọi người … Ít nhiều con cái cũng sẽ ảnh hưởng. Ấn định giới hạn đòi hỏi của trẻ. Không có giới hạn trẻ con sẽ không có điểm dừng, đơn giản thôi, nếu bạn quy định 10 giờ đi ngủ thì dứt khoát 10 giờ, nếu bạn không quy định trẻ có thể thức đến 12 giờ hay khuya hơn nữa… Sử dụng thời gian hợp lý và có ích. Hãy đắn đo việc dắt con đi mua sắm hay cho chúng chơi điện tử và việc cùng con đọc sách. Đôi lúc phải độc tài, sử dụng quyền làm cha mẹ! Không cho là không cho dù chúng có yêu sách cỡ nào! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn