MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học do LĐLĐ TPHCM và Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức - Ảnh: L.T

Chịu khổ vài năm để cả cuộc đời không phải lo lắng!

Ngọc Minh LDO | 07/01/2018 16:30

Mỗi buổi tối khi bạn bè cùng lứa ở xóm trọ tụ tập ăn uống, hát hò hoặc dán mắt vào điện thoại lên mạng chát chít thì Thùy lại lặng lẽ đến lớp. Các cô lớn tuổi thấy Thùy đi học khen “có chí”, bạn bè không ít người dè bỉu. Mỗi khi bắt gặp ánh mắt ái ngại, Thùy vẫn tự động viên: “Ráng chịu khổ vài năm để sau này có cơ hội phát triển, để cả cuộc đời sau này không phải lo lắng khi mình là một người lao động có trình độ”.

Thùy năm nay 25 tuổi, chưa có gia đình riêng. 18 tuổi, học xong lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thùy không thể học tiếp nên rời quê nhà Hà Tĩnh vào Sài Gòn làm công nhân với ý định “đi làm, tích lũy tiền để đi học”. Vậy mà phải đến 7 năm sau, Thùy mới có cơ hội thực hiện ước mơ đi học tiếp của mình.

Dưới Thùy còn hai đứa em nhỏ, tuổi ăn tuổi học. Thùy là chị cả nên không thể bỏ mặc gia đình mà tự nhận lấy trách nhiệm phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học. 7 năm qua, Thùy không ngại sức mình tăng ca, ăn uống tiết kiệm, áo quần dè xẻng, để dành tiền lo cho hai em ăn học. Giữa năm 2017, hai em của Thùy lần lượt tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Thùy đã hoàn thành trách nhiệm với gia đình, giờ đây, Thùy đi làm để dành tiền lo cho chính bản thân mình.

7 năm là khoảng thời gian đủ dài để người ta quên đi nhiều kiến thức nhưng với Thùy đó không phải là vấn đề bởi 7 năm qua, những lúc rảnh rỗi, Thùy vẫn đọc lại sách, đặc biệt các kiến thức về Toán học, Vật lý, Hóa học. Với vốn tiếng Anh hạn hẹp, Thùy không ngại nghe nhạc có lời bằng tiếng Anh rồi ngồi dịch từng chữ… Thùy bảo: “Nếu mình bỏ tức là mình đầu hàng số phận, là có lỗi với bản thân mình”.

Vừa rồi Thùy đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển vào một lớp đại học hệ vừa học vừa làm. Ngày nhận giấy báo nhập học, Thùy không cầm được nước mắt. Sau phút giây hạnh phúc là hàng loạt những thử thách đặt ra cho Thùy: Tài chính, thời gian, sức khỏe và cả những thú vui của tuổi trẻ…

Nếu sau kỳ lương, bạn bè rủ nhau đi sắm áo quần thì Thùy, sau khi trừ các khoản tiền nhà, tiền ăn, sinh hoạt phí, Thùy lại cất để dành cho việc học. Nếu sau khi tan ca, bạn bè rủ nhau đi ăn ốc, đi uống cà phê thì Thùy lại tất bật ăn vội vàng tô mì gói, lắm khi ôm bụng rỗng đến lớp. Vào những dịp cuối năm, công ty tăng ca, là dịp để công nhân tăng thu nhập thì Thùy làm đơn xin phép không tăng ca để có thời gian đến lớp. Nếu vào những ngày thi, bạn bè cùng phòng đi ngủ sớm thì Thùy phải thức đến 1, 2 giờ sáng. 5 giờ sáng hôm sau đã dậy… Và rất nhiều thử thách khác nữa mà chỉ cần một chút nản chí thôi, Thùy sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng.

Nhìn Thùy tất bật với việc học, nhiều người động viên nhưng cũng không ít người dè bỉu. Đáp lại những ánh mắt nghi ngại, Thùy bộc bạch: “Tất nhiên, mình không phải là anh hùng, sức khỏe phi thường mà lắm khi mệt mỏi, mặt mũi phờ phạc khi phải chạy xe máy hơn chục cây số để đến lớp. Mỗi buổi tối khi người ta tay trong tay đi chơi, mình rời khỏi lớp với hai mắt mỏi nhừ và đầu óc lùng bùng kiến thức… Nhưng mình nghĩ, không có sự thành công nào mà không phải trả giá bằng cái này hay cái khác. Mình nghĩ kỹ rồi, đi học không bao giờ là thừa. Nếu bây giờ mình ngại khó, ngại khổ, không bỏ được những thú vui hàng ngày thì mình sẽ không bao giờ khá lên được. Mình không mong sau này làm chức này, chức kia sau khi học xong, mình chỉ nghĩ đơn giản, khi mình có kiến thức, có trình độ, mình đã hơn người khác một cơ hội để thay đổi công việc, cuộc sống, cuộc đời mình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn