MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài sản có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Ảnh Minh họa

Cuộc hôn nhân dang dở

Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 05/01/2017 20:48
Người phụ nữ xinh đẹp ấy trẻ hơn nhiều so với tuổi ngoài 40 của chị. 15 năm trước chị kết hôn với người chồng hiện tại sau 3 năm yêu nhau. Khi theo đuổi chị, anh luôn yêu chiều và cung phụng mọi thứ cho chị. Anh lớn hơn 10 tuổi nên chị luôn cảm thấy mình trẻ con trước vẻ từng trải của anh. Chính vì vậy chị thường nghe theo những lời khuyên bảo, thậm chí là dạy dỗ của anh. Sau khi kết hôn chị sinh liền cho anh hai con, một gái, một trai.

Người chồng “ham của lạ”

Vẫn tưởng hạnh phúc sẽ luôn ngự trị trong cuộc hôn nhân đầy màu hồng của chị. Nhưng... theo thời gian dường như anh đã thay đổi. Chính sự luôn phục tùng của chị đã khiến cho anh luôn cảm thấy mọi quyết định của mình là đúng và luôn giữ vị trí quan trọng, thích kiểm soát, thể hiện quyền lực trong gia đình. Không những vậy, lấy lý do giao tế làm ăn, anh thường xuyên đi tiếp khách, ăn nhậu. Chuyện gì đến phải đến, anh có người phụ nữ khác. Khi chị phản đối thì anh không đồng ý. Anh nói đàn ông có thể cùng một lúc có nhiều người phụ nữ bên cạnh, nhưng mỗi người một vị trí và không ai có thể thay thế được vị trí người vợ chính thức là chị. Dù không đồng ý với các mối quan hệ tay ba, tay tư của anh, chị vẫn không dám dứt khoát chia tay vì chưa tự tin vào cuộc sống sau khi ly hôn. Hơn nữa, anh rất gia trưởng, nóng tính và thường xuyên la hét, mắng mỏ mỗi khi chị có thái độ chống đối. Ngoài ra, chị sợ khi ly hôn anh sẽ giành nuôi hai con do anh có lợi thế hơn về tài chính. Những lý do đó đã khiến chị lừng chừng, không dứt khoát cho cuộc hôn nhân của mình.
Tình yêu của chị dành cho anh cứ ngày một ít dần, thậm chí không còn nữa, hai người quyết định sống ly thân trong ngôi nhà chung. Chị bỏ mặc anh vui vầy quan hệ với những người phụ nữ, hết người này đến người khác. Hàng ngày chị chỉ biết đi làm, dành thời gian và sự quan tâm cho hai con nhỏ, 13 và 10 tuổi. Cuộc sống cứ tiếp diễn và chị cũng quên mất rằng mình cũng cần được yêu thương và chăm sóc. Bạn bè ai biết chuyện cũng đều khuyên can chị cần dứt khoát với cuộc hôn nhân này, nếu không sẽ chôn vùi hạnh phúc trong cuộc sống thiếu vắng tình yêu và sự tôn trọng. Mỗi khi nghe lời khuyên của mọi người chị đều cười buồn và nói rằng “Thôi cái số của mình nó vậy!”. Mẹ chị biết chuyện, khuyên can mãi con rể cũng không chịu thay đổi. Xót con, bà thuyết phục chị phải biết sống cho mình, chứ đừng cam chịu mãi, rồi 10, 20 năm sau sẽ cảm thấy nuối tiếc sao lúc còn trẻ không chịu dứt khoát để có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Ngẫm nghĩ lại lời khuyên của mẹ và bạn bè, chị thấy cần phải dứt khoát với cuộc hôn nhân này để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Chị lấy hết can đảm để nói chuyện thẳng thắn với chồng là chị muốn ly hôn. Vừa thấy chị đề cập đến vấn đề này, anh gầm lên “Ai cho phép cô dám đòi ly hôn? Tôi đã nói không bao giờ cho phép cô ly hôn mà”. Lần này, chị mạnh mẽ nói: “Năm năm nay, vợ chồng mình đã sống ly thân, tình yêu của chúng ta dành cho nhau cũng không còn. Anh hãy giải thoát cho em. Anh có mối quan hệ khác, thì em cũng cần phải có cuộc sống riêng của mình”. Nghe chị nói thế, anh trừng mắt: “Vậy là cô có thằng đàn ông khác? Thứ đàn bà mất nết, hư hỏng!”. Chị vẫn nhỏ nhẹ “Em vẫn chưa hề có người đàn ông khác, nhưng em không thể cam chịu cuộc sống đơn điệu và vô vị như thế này”. Anh vẫn không chịu “Cô biết tính tôi rồi đó. Đã là vợ tôi thì không một thằng đàn ông nào chiếm được cô. Cô hiểu chưa?”...
Thuyết phục chồng thuận tình ly hôn không được, chị tìm đến tôi nhờ tư vấn. Tôi nói, dù anh không đồng ý, chị vẫn có quyền đơn phương xin ly hôn vì Khoản 1, điều 56  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Tài sản của người chết thuộc về ai?

Sau khi nghe tư vấn, chị quyết định nộp đơn xin ly hôn đến TAND Quận X, nơi vợ chồng chị đang thường trú. Biết chuyện, chồng chị ngày nào cũng chì chiết, mắng chửi. Không những vậy, ba mẹ chồng, vì bênh con trai cũng tuyên bố từ mặt chị và không cho phép đến thăm ông bà nữa. Thế nhưng, đang trong quá trình  Tòa án giải quyết ly hôn thì chồng chị bị tai nạn giao thông và qua đời. Ba mẹ chồng tuyên bố toàn bộ tài sản của vợ chồng chị thuộc về ông bà, kể cả căn nhà đứng tên hai vợ chồng mà ba mẹ con chị đang ở. Ông bà nói do chị đã tự ý nộp đơn xin ly hôn, nên đã tự nguyện bỏ quyền thừa kế của mình với tài sản mà anh để lại. Chị lại tìm đến luật sư để tư vấn. Theo luật định, dù rằng chị là người đơn phương xin ly hôn, nhưng hôn nhân của anh chị chưa bị chấm dứt bằng một bản án hay quyểt định có hiệu lực của pháp luật, thì cuộc hôn nhân đó vẫn được pháp luật thừa nhận.
Khoản 14, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Do chồng chị mất đi không để lại di chúc nên di sản của anh sẽ được chi thừa kế theo pháp luật.
Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau...
Do vẫn là vợ hợp pháp của anh, nên chị thuộc hàng thừa kế thứ 1, vì vậy được chia một phần thừa kế bằng với cha, mẹ, các con của anh đối với di sản mà anh để lại. Chưa kể đến việc căn nhà đứng tên anh chị và những tài sản chung của anh chị được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thì chị có quyền sở hữu 50% khối tài sản này. 50% giá trị tài sản còn lại thuộc quyền sở hữu của anh mới đem chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về Tài sản chung của vợ chồng như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Dù được thừa hưởng một phần di sản của anh, nhưng với chị, mất mát lớn nhất chính là tình yêu của chị cho người đã từng một thời đầu gối, tay ấp.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn