MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự gần gũi, chia sẻ giữa cha mẹ và con cái giúp trẻ hình thành nhân cách tốt và tự tin. Ảnh: ĐN

Đừng lạm dụng lời khen

Đỗ Thu Vân LDO | 11/03/2018 11:28

Ngồi gần tôi trong bệnh viện hôm ấy là hai mẹ con một phụ nữ trẻ. Cô bé con khoảng năm tuổi cứ nằng nặc đòi mẹ rót giùm ly nước từ bình nước nóng lạnh chỉ cách họ ba bước chân. Trái lại, người mẹ trẻ bình thản từ chối và yêu cầu bé con tự lấy nước uống một mình. Người mẹ ngọt ngào động viên con: “Mẹ biết con rất giỏi, việc gì cũng tự làm được không cần mẹ giúp mà, phải không?”. Quả nhiên, sau câu nói ấy, cô bé con tự đi lấy nước uống và quay ngược lại khoe mẹ với vẻ tự hào ngộ nghĩnh rất trẻ con. Khung cảnh ấy không dưng gợi tôi nhớ tới Thục, cô em họ của mình.

Hơn hai chục năm trước, Thục thi rớt đại học, giấc mơ được trở thành cô giáo tan thành mây khói sau vài lần thi lại nhưng thất bại. Cánh cổng trường đại học khép lại trước mắt, chẳng công ty nào chấp nhận vào làm mà không có bằng đại học dù Thục đã kiên nhẫn đi học thêm các lớp nghiệp vụ khiến Thục chán nản muốn buông xuôi. Ba mẹ khuyên Thục học nghề làm tóc vì nhà có người quen có tiệm sẵn. Thục cứ do dự vì công việc ấy không mảy may phù hợp với tính cách và sở thích gõ đầu trẻ của Thục trước kia.

Mẹ Thục cứ rỉ rả rằng nếu cô làm một việc gì đó và tập trung với tất cả tâm huyết của mình thì cơ hội sẽ không quay lưng với cô, rằng bà tin vào sự chuyên tâm, tận tụy của Thục sẽ đem lại kết quả tốt đẹp. Ngày này qua ngày khác, mưa dầm thấm lâu, Thục chấp nhận học nghề tóc và dần dần nhận ra rằng nghề này càng học càng khám phá ra nhiều điều thú vị, càng học càng say mê và Thục đã quên bẵng giấc mơ trở thành cô giáo năm nào.

Ở tuổi ba mươi, trong khi bạn bè tốt nghiệp từ những trường đại học tiếng tăm vẫn đang chật vật để vươn lên trong những công sở chật hẹp hay loay hoay khẳng định mình giữa mênh mông thương trường thì Thục đã là chủ một tiệm uốn tóc tuy nhỏ nhưng đông khách có tiếng nơi cô ở. Quan trọng hơn, Thục còn giúp cho mấy người bà con xa học nghề xong và ở lại tiệm để phụ việc cho mình với thu nhập tương đối khá.

Có lúc nhắc lại lúc khởi đầu của mình, Thục bảo mình may mắn khi được ba mẹ chia sẻ và động viên, cách ba mẹ khơi dậy những điểm mạnh ở con gái mình khiến Thục tự tin đi tiếp trên ngã rẽ vào đời khác với bạn bè. Nếu ngày ấy bị ba mẹ la mắng khi thi rớt như một số người khác, có lẽ Thục đã không đủ nghị lực để bắt đầu lại từ đầu với một công việc mà mình chưa từng nghĩ là sẽ làm được trước đó.

Động viên, với người trưởng thành là liều thuốc an thần trong cơn khó khăn, khủng hoảng nhưng với một đứa trẻ, đó có thể giúp hình thành ý thức tự giác, tự tin nơi bản thân. Mới thấy, có những điều những tưởng người ta chẳng thể làm được, nhưng khi được động viên, khích lệ, chẳng có gì là không thể.

Các bà mẹ Việt Nam thường mắc bệnh "con hát mẹ khen hay", tất tần tật những gì thuộc về con mình đều tốt, đẹp hơn người. Tuy nhiên, lời khen cũng như thuốc bổ, nếu dùng đúng liều đúng lúc sẽ có tác dụng tích cực, khiến những đứa trẻ được cổ vũ để có thêm động lực để phấn đấu. Bằng ngược lại, những lời khen quá liều chỉ tạo ra những đứa trẻ ỷ lại, hợm mình và ảo tưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn