MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ hoa ngày Tết. Anh: ĐN

Đừng lãng phí dịp Tết

Đỗ Thu Vân LDO | 22/01/2017 17:16
Cuối năm, nhà nhà lại rục rịch chuẩn bị, sắm sửa đón Tết. Trong không khí lâng lâng cùng với suy nghĩ mỗi năm Tết chỉ có một lần, nhiều người không ngại mở hầu bao để chi tiêu cho việc mua sắm dù có khi phải thắt lưng buộc bụng cả năm trời dẫn đến việc lãng phí không cần thiết.

Năm nào cũng vậy, đến thăm nhà bác tôi vào dịp tết đều thấy bánh tét, bánh chưng, giò lụa, giò thủ rồi dưa hấu xếp la liệt dưới mấy gầm bàn, bia, nước ngọt còn nguyên thùng chất thành chồng trong bếp. Hỏi bác mua chi nhiều vậy, ăn, uống có hết không, bác cười xòa bảo, mấy ngày tết nhìn đồ ăn ở đâu cũng thấy ngán, ăn, uống gì nổi, kể cả đãi khách, nhưng muốn mấy ngày đầu năm trong nhà “dư ăn dư để” lấy hên cho cả năm nên lúc nào cũng mua nhiều vậy cho cả năm được sung túc. Dẫu biết nhà bác “có điều kiện” nhưng tôi không khỏi xót ruột vì khoản chi cho số thực phẩm trong ba ngày tết của bác đủ tiêu cho cả tháng của những gia đình khó khăn.
Cô em chồng tôi cứ gần tết lại soạn ra những bộ đồ không vừa ý hoặc đã lâu không mặc của cả nhà để đem cho người giúp việc hoặc gửi về quê cho mấy đứa cháu con nhà nghèo. Đồ được cô thải ra có khi chất đầy cả bao bố, nói là “cũ” nhưng nhiều cái mua lúc cao hứng đến khi đem về chẳng còn thích nữa nên vẫn còn mới tinh, có cái mua theo “mốt”, đến khi “đề-mốt” lại chán chẳng muốn đụng tới nữa nhưng chung quy chỉ là cô muốn làm một cuộc thanh lý để có cớ sắm đồ mới vào dịp tết. Thu nhập của hai vợ chồng chẳng nhiều gì nhưng tâm lý có mới nới cũ, tết nhất phải có đồ mới cho bằng chị bằng em nên dù hay bị chồng cằn nhằn về sự lãng phí này, cô vẫn phải tậu cho được một loạt đồ mới cho cả nhà mới ưng cái bụng.
Tôi từng tiếc đứt ruột khi nhìn cô bạn thân cứ mỗi sau tết lại dọn dẹp tủ lạnh để vứt bỏ hàng loạt rau, củ, trái cây bị hư, úng do trữ quá nhiều khiến cái tủ lạnh quá tải. Cô cứ canh có người bán đồng nát hoặc những người bán vé số nào đó đi ngang là ngoắc vào để cho họ bớt mớ bánh trái còn dư sắp hết hạn dùng. Hỏi cô mua nhiều rồi bỏ hoặc cho bớt vậy không tiếc tiền sao, cô bảo năm nào cũng định chỉ mua vừa đủ thôi, nhưng đến lúc cuối cứ sợ khách đến mà thiếu thì kỳ, có thứ mua chỉ vì ham rẻ, ham khuyến mãi, rốt cục tính già hóa non. 
Việc mua sắm, bày biện trong nhà không chỉ riêng trong mấy ngày xuân phần lớn là do cánh chị em - những người giữ vai trò “tay hòm chìa khóa” trong nhà đảm nhiệm. Tuy nhiên, chỉ vì không kiềm chế được cảm giác hưng phấn quá đà trong không khí chộn rộn vào những ngày cuối năm, lại thêm mấy chiêu quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn của những người bán hàng khiến chị em cầm lòng không đặng mà tự nguyện rút hầu bao không thương tiếc để rồi sau tết, không ít nhà lâm vào cảnh thiếu hụt do lạm chi. Thậm chí có những cặp vợ chồng cãi cọ, giận hờn sau tết cũng vì mấy chuyện chi tiêu, mua sắm vô tội vạ  khiến nhiều người phải ngậm ngùi với cái hậu tết quá… đắng! Hãy cân nhắc việc chi tiêu cho những thứ thật sự cần thiết để không phải méo mặt, xót ruột khi mấy ngày xuân ngắn ngủi trôi qua. Đừng cho rằng “tôi có tiền thì tôi có quyền (ăn xài)”, bởi, chi tiêu vô tội vạ trong lúc cuộc sống vẫn còn nhiều người khốn khổ hơn mình có khi cũng là sự nhẫn tâm.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn