MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi biểu tượng cảm xúc trên Facbook chính là sự quan tâm của bạn bè dành cho bạn - Ảnh: FB

Hãy nói những lời vui vẻ để lòng được an vui!

Võ Hà LDO | 19/05/2017 23:45
Tôi dùng Facebook được 3 năm nay nhưng kết bạn không nhiều, chủ yếu là những người thân quen. Với tôi Facebook như một kênh liên lạc để xem bạn bè, người thân của mình vui hay buồn, thế nhưng đa phần tôi thấy người ta buồn nhiều hơn, thậm chí là bức xúc, chửi thề, chửi đổng. Mỗi lần như thế, tôi ngẫm nghĩ “không lẽ cuộc sống của các bạn bức bí đến vậy sao”.

Hôm rồi, tôi thấy đứa bạn cùng trong chuyền viết lên trang Facebook cá nhân một dòng trạng thái bức xúc, kèm theo cả lời chửi thề. Vì là chị em chơi với nhau, tôi không để lại bình luận hay tỏ thái độ gì trong dòng trạng thái ấy mà nhắn tin hỏi thăm, với ý động viên, giữ bình tĩnh. Em ấy trả lời tỉnh rụi: “Thích thì viết thôi chị. Để giải tỏa bức xúc”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Bức xúc thì làm gì có chuyện thích hay không em. Nếu em không có chuyện gì thật sự ấm ức thì không nên viết như thế”. Vậy là em ấy gọi điện, than thở do bực mình bà chuyền trưởng. Cụ thể là cuối tuần rồi, vì có việc riêng nên em ấy đã xin nghỉ phép, thế nhưng chuyền trưởng lại không đồng ý. Vì đã có kế hoạch từ trước nên em vẫn quyết nghỉ. Vậy là ngày nghỉ đó được liệt vào ngày nghỉ không phép. Cuối tháng lãnh lương, em ấy bị trừ 300.000 đồng tiền chuyên cần. Chuyện là vậy nên em ấy lên Facebook viết mấy câu rất… bức xúc, kèm theo mấy lời chửi đổng.

Không chỉ em mà rất nhiều đồng nghiệp của tôi cũng chọn cách giải quyết bức xúc tương tự như vậy. Tôi không bằng lòng với cách giải quyết của em, bởi đối tượng mà em muốn hướng đến hoàn toàn không dùng Facebook, hoặc có chăng, họ sẽ chẳng quan tâm đến dòng trạng thái của em. Nhưng những người quan tâm em, thường xuyên theo dõi em như tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu, cảm giác như bị những câu chửi tục đó văng thẳng vào mặt.

Với cá nhân tôi, nếu không bằng lòng với một việc gì đó, một cá nhân nào đó, tôi sẽ tìm cách để trao đổi trực tiếp. Hãy nói chuyện một cách đàng hoàng, bình tĩnh, có tình có lý. Nếu mình không sai, mình không việc gì phải ngại. Và thực ra, nhiều lúc mình nghĩ mình có lý nhưng cái lý của mình không bằng cái lý của người khác, và mình phải chấp nhận. Thế nhưng mình sẽ không thấy khó chịu nữa.

Trước đây, tôi cũng hay chia sẻ chuyện cá nhân lên Facebook của mình. Đa phần là những chuyện buồn, không hài lòng với điều gì đó, đôi khi có cả sự tức giận. Và mọi người vào bình luận, bấm “Thích”, một số người quan tâm thì gọi điện, nhắn tin hoặc để ngay bình luận vào dưới dòng trạng thái. Đôi khi là những bình luận kiểu đoán già, đoán non, ám chỉ cụ thể một người nào đó mà họ chẳng liên quan… Cứ như thế, tôi kể lại câu chuyện của mình, hoặc phải đi thanh minh thanh nga không phải chuyện này, người kia, rất mất thời gian và phiền phức. Nhiều lần như thế, sau này khi tức giận, tôi lựa chọn phương án im lặng và tuyệt đối không viết gì lên Facebook. Tôi nhận ra rằng, nếu mình chia sẻ những chuyện vui, những bức ảnh đẹp lên trang cá nhân của mình, khi mọi người cùng bàn luận, niềm vui sẽ được nhân lên rất nhiều lần. Tôi nghĩ, như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều là mình hay viết những dòng trạng thái buồn bã, cáu giận.

Tôi nói với em ấy suy nghĩ của tôi và tôi khuyên nên trao đổi thẳng thắn với chuyền trưởng. Em ấy im lặng một lúc rồi quyết định xóa dòng trạng thái bức xúc vừa đăng và khẳng định, hôm nào không tăng ca hoặc nghỉ trưa, em ấy sẽ mua cà phê hoặc ly sinh tố để mời chị chuyền trưởng. Bởi trong thâm tâm, em thừa biết chuyền trưởng không đồng ý cho em ấy nghỉ vì hôm ấy chuyền phải tăng ca cho kịp tiến độ, nhưng vì lỡ hẹn với gia đình bạn trai nên em vẫn quyết nghỉ! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn