MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Lời hẹn, oán thù và lối thoát

Nguyễn Đình San LDO | 09/12/2016 17:51
Gia đình ông và gia đình tôi rất thân tình, có quan hệ gắn bó từ lâu vì trước đây, ông và bố tôi là bạn học từ thuở nhỏ. Nghe nói lúc cả hai người chưa lấy vợ, hai ông đã hẹn sau này nếu một người có con trai và người kia có con gái thì sẽ tác thành cho hai đứa nên vợ chồng. 

Rồi ông có con trai, đặt tên Hoà. 6 năm sau, bố tôi sinh tôi. Ông dặn bố tôi nếu sinh con gái sẽ đặt tên là Hợp. Bố mẹ tôi đồng ý ngay. Ý các cụ muốn thực hiện lời giao kết xưa và cầu mong chúng tôi lấy nhau sẽ hoà hợp, hạnh phúc. Tôi lên 2 tuổi thì mẹ tôi sinh em, cũng con gái. Bố mẹ tôi thống nhất đặt tên Thuận. Khi lớn lên tôi hiểu là các cụ nghĩ tới khả năng nếu duyên số giữa tôi và Hoà không thành thì sẽ “chuyển giao” sang cho em tôi. Cái tên Thuận cũng thật ý nghĩa.

Hai gia đình chúng tôi vẫn đi lại, quan hệ gắn bó thường xuyên hơn cả ruột thịt. Lúc bọn tôi chưa trưởng thành, mối quan hệ giữa Hoà và tôi tự nhiên. Chúng tôi coi nhau như anh em ruột. Đến khi tôi học năm cuối cùng ở đại học, Hoà có những biểu hiện rõ của tình yêu và chính thức ngỏ lời với tôi. Nhưng tôi đã nói: “Em muốn chúng ta mãi là anh em, bạn thân của nhau”. Hoà cứ gặng hỏi vì sao tôi lại muốn như vậy, hay là tôi chê điểm gì. Anh cũng nhắc lại lời hẹn của cha mẹ hai bên và nói nếu yêu nhau thì tất cả đều thuận lợi, không có bất cứ trở ngại nào. Tôi nói với Hoà: “Anh là một chàng trai hoàn chỉnh trong mắt nhiều người. Thậm chí, em còn nghĩ là không xứng đáng với anh. Nhưng em chưa nghĩ đến tình yêu”. Hoà cố thuyết phục tôi nhận lời để anh còn lao vào làm luận văn tiến sĩ trong mấy năm tới. Tôi chỉ im lặng, vì chẳng biết nói gì hơn. Quả là tôi đã nghĩ sao nói vậy với Hoà. Đúng là anh không có điểm gì có thể chê: Chịu khó học hành, tốt nghiệp đại học loại ưu, vừa đi làm được vài năm đã tiếp tục học nghiên cứu sinh. Anh hiền, không mắc bất cứ thói hư tật xấu nào của đàn ông (rượu chè, cờ bạc, đàn đúm). Đặc biệt, anh chỉ biết lao vào học, không biết đến người con gái nào, ngoài tôi. Về hình thức, anh sáng sủa, có thể nói là đẹp trai với chiều cao trên 1m70. Còn tôi thì tuy được mọi người khen là có nhan sắc nhưng cũng tự thấy chỉ rất bình thường. Tôi thấy khó nghĩ: Bố Hoà chẳng những là bạn thân với bố tôi, mà còn là ân nhân cứu mạng mẹ tôi do là bác sĩ (khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi ốm nặng phải vào bệnh viện, chính ông là người đã tận tình cứu cữa bà qua khỏi). Hai bên cha mẹ đều mong chúng tôi nên duyên theo nguyện ước như đã nói. Với tất cả những điều đó, tôi thấy chẳng có lý do gì để từ chối Hoà. Nhưng có một điều khiến tôi không thể nhận lời là trái tim tôi không hề rung động. Trước Hoà, lòng tôi vẫn dửng dưng, ngay cả lần ra biển gần đây nhất cả hai gia đình cùng đi, tôi biết rõ là mọi người cố ý “tạo điều kiện” cho chúng tôi gần nhau. Nhưng trong lúc Hoà hỏi chuyện, quan tâm rất chu đáo thì tôi lại cứ nghĩ đâu đâu, rất ít tập trung vào nội dung anh trao đổi. Nhưng anh tự trọng và tế nhị, thấy tôi như vậy đã rút báo ra đọc.

Mọi điểm của Hoà đều rất “chuẩn” theo suy nghĩ của cha mẹ và em gái tôi. Mọi người có vẻ ngạc nhiên trước việc tôi không nhận lời yêu Hòa mà không biết trái tim tôi đã có hình bóng một người đàn ông khác. Anh tên Phú, hơn tôi 10 tuổi, không điển trai bằng Hoà, thậm chí có nhiều nhược điểm: Hay uống bia, rất ẩu trong sinh hoạt. Nhưng lại có tính cách rất hợp với sở thích của tôi: Mạnh mẽ, quyết đoán. Ở bên Phú, tôi có cảm giác được che chở và luôn thú vị trước những nội dung anh nói, dẫu chỉ là một câu chuyện phiếm chẳng có chủ đề. Còn ở bên Hoà, tôi thấy mình có cảm giác sẽ là một nàng dâu yên ổn nhưng ít nhiều thấy nhạt nhẽo, vô vị. Tôi vẫn chưa cho mọi người biết tình yêu của mình, bởi chúng tôi đã thống nhất với nhau: Chờ cho đến khi tôi học xong, ổn định công việc ở một nơi nào đó, báo cáo gia đình cũng chưa muộn. Nhưng không giấu được lâu. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình cờ em gái tôi đọc được mẩu giấy Phú viết cho tôi nên đã biết được sự thật. Và thế là cả nhà biết, tất nhiên chẳng ai ngăn cản gì tôi, chỉ muốn nhanh chóng biết chàng rể tương lai như thế nào. Tuy nhiên, mọi người thống nhất chưa cho bên nhà Hoà biết. Khi ấy, Hoà có thể đã có “đối tượng”, việc sẽ trở nên đơn giản hơn.
Thời gian trôi đi. Sau đó, chuyện hết sức rắc rối và nan giải đã đến với gia đình tôi: Phú - người tôi rất yêu, rất thoả mãn - lại là con của thủ trưởng cũ của bố Hoà. Ông tên là Kim (bố Hoà là Phẩm). Ông Kim đã từng kỷ luật ông Phẩm bằng cách cảnh cáo toàn bệnh viện, mà lý do rất “hợp lý”: Khi mẹ tôi ốm, ông Phẩm đã tìm mọi cách đưa bà vào bệnh viện, nơi ông làm chủ nhiệm khoa nhưng trái tuyến (lẽ ra mẹ tôi phải vào bệnh viện một quận, mọi điều kiện không thể bằng chỗ của ông). Việc này là vi phạm nguyên tắc (Khi ấy chưa có bảo hiểm y tế như bây giờ, các bệnh nhân chữa bệnh hoàn toàn được bao cấp nhưng phải đúng tuyến, đúng chế độ, tiêu chuẩn.) Vì kỷ luật trên mà bố Hoà đã không được kết nạp vào Đảng, không được lên làm phó giám đốc theo dự định trước đó. Ông buồn phiền đã xin nghỉ hưu non, sau này mở phòng mạch tư khi nhà nước cho phép. Bố mẹ tôi nói đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời công tác của ông Phẩm. Vậy là vì để cứu mẹ tôi, ông đã bị thiệt thòi không nhỏ. Từ đó, bố mẹ tôi cảm thấy có trả ơn bao nhiêu cũng không bù lại được nỗi đau về tình thần cho ông. Tất nhiên là đến hôm nay, ông - và có thể cả bà, cả hai anh em Hoà- không thể quên được mối thù với ông Kim- bố cuả Phú. Nếu không có vụ kỷ luật đó, chắc chắn sự nghiệp của ông Phẩm đến nay sẽ khác, vì ông là một bác sĩ giỏi, nổi tiếng trong giới. Vậy mà tôi sẽ trở thành con dâu kẻ thù của ân nhân lớn nhất đối với mẹ tôi. Sự việc này khiến bố mẹ tôi rất đau đầu, chưa biết sẽ ứng phó thế nào mà hai cụ lại không thể can gián, phá vỡ mối tình của chúng tôi vì biết rõ chúng tôi rất yêu nhau.

Hiện tại, tạm thời quan hệ giữa tôi với Phú vẫn được giữ bí mật đối với gia đình Hoà. Tôi có tâm sự chuyện này với Phú, anh nói: “Chuyện quá khứ xa xôi của các bậc cha mẹ, sao lại dây dưa đến hạnh phúc của chúng ta? Anh làm rể sẽ có cách khiến bố em quên đi hận thù”. Với bản tính Phú, tôi phần nào yên tâm, nhưng vẫn còn băn khoăn. Tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ: Sẽ vun em gái tôi cho Hoà, vì nó cũng rất giống tôi, hiện tại chưa yêu ai, cũng đã học năm thứ 2 đại học. Chắc chắn bố mẹ Hoà sẽ vui. Còn Hoà thì tôi tin là sau khi không thành với tôi, cũng sẽ yên lòng yêu em tôi, bởi tính anh không cầu kỳ, chắc cũng dễ chấp nhận. Tôi nói điều này với bố mẹ, các cụ có vẻ tâm đắc với “sáng kiến” này. Có lần tôi thử ướm dò ý em gái: “Anh Hoà được đấy chứ, em thấy thế nào?”; thì nó nói: “Chị chỉ vớ vẩn, sao chị không yêu đi?”.
Chắc chắn ngày cưới của chúng tôi sẽ diễn ra. Ngày ấy, không thể vắng mặt ông bà Phẩm. Ông sẽ phải gặp lại kẻ thù của mình trong quá khứ. Tôi sẽ phải làm sao để không tổn thương đến ông, không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai gia đình mà tôi muốn mãi mãi tồn tại, vì dẫu thế nào, cũng không bao giờ quên: Ông đã cứu mẹ tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần?
(Phan Bích Hợp - TP Vinh, Nghệ An)

Nhà văn, TS Nguyễn Đình San:
Hãy tiếp tục hết lòng tử tế với gia đình Hoà. Hãy tin ở diệu kế của “ông xã” tương lai. Và hãy cùng quan tâm đến “một nửa” của Hoà. Nhưng chớ làm cuộc “bàn giao” cho cô em gái khi tâm hồn cô ấy vẫn phẳng lặng như mặt nước mùa thu. Hãy làm tất cả mọi việc sao cho  hợp đạo lý khiến lương tâm thanh thản. Như vậy rồi mà ân nhân của gia đình bạn vẫn không nguôi thù hận thì còn biết làm sao? Không lẽ bạn phải “mâm ngọc đũa vàng xa nhau” để thoả mãn người ta?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn