MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tương kính như tân, nâng đỡ nhau đến khi răng long đầu bạc (ảnh minh họa: ĐN).

Mật ngọt của hôn nhân

Đỗ Thu Vân LDO | 18/03/2017 20:00
Hai vợ chồng chủ quán mà tôi vẫn ghé ăn sáng gần hai chục năm nay tóc đã bạc quá nửa nhưng vẫn gọi nhau bằng “anh, em” ngọt xớt. Quán bình dân, không có người phụ việc, thế nên, sự tất bật cộng với vẻ lam lũ khiến hai ông bà có vẻ mệt mỏi ở cái tuổi lẽ ra đã được nghỉ ngơi, an nhàn này.

Thế nhưng mỗi khi họ nói chuyện với nhau, nghe giọng nói ngọt ngào của người vợ hay giọng của ông chồng nhẹ nhàng, âu yếm, mọi tất bật như biến mất, vất vả, lo toan dường như chưa hề lướt qua nét mặt trông có vẻ khắc khổ của họ. Việc phục vụ cho một quán ăn khá đông khách không hiểu có phải vì thế mà có vẻ bớt áp lực hơn.

Có một quãng thời gian, ông chồng của bạn tôi “say nắng” một cô đồng nghiệp đến độ bỏ bê gia đình. Sau đó, bạn tôi chấp nhận tha thứ, anh chồng cũng quyết tâm “quay đầu là bờ”. Thỉnh thoảng, nghe cách nói chuyện ngọt ngào, âu yếm giữa bạn với chồng, những tưởng giữa họ chưa từng có mâu thuẫn gay gắt đến nỗi suýt đưa nhau ra tòa ly dị, tưởng chưa từng có lúc bạn hận đến độ không muốn nhìn mặt chồng, tôi thấy bực vì không hiểu sao sau ngần ấy lỗi lầm mà anh chồng gây ra cho mình, bạn vẫn có thể giữ được lối xưng hô “mình ơi, mình à” với anh chồng bạc bẽo kia! Nhưng rồi tôi đã tự lý giải rằng, biết đâu cách xưng hô ấy chính là một trong những lý do khiến anh chồng hồi tâm?!

Cô chú tôi cưới nhau đã hơn bốn mươi năm, con cháu đề huề nhưng họ vẫn gọi nhau bằng anh-em ngọt lừ. Mỗi lần bọn tôi trêu: già rồi mà còn “tình” thế? Cô lại bẽn lẽn cười, giải thích, cũng nhờ vậy cô chú mới ở với nhau được đến giờ bởi chú vốn đào hoa, không chỉ điển trai mà lại là một cây văn nghệ trong ca đoàn của nhà thờ. Nếu không ngọt ngào, nhỏ nhẹ như thế, một phụ nữ quê mùa, chân chất, lại chẳng có gì đặc biệt như cô sao có thể giữ chồng khi vây quanh chú bao giờ cũng đầy ắp phụ nữ ngọt ngào, đon đả?

Trong một câu hỏi cần được tư vấn trên một tờ báo chuyên về hôn nhân gia đình, có đoạn: “Chúng tôi dù có giận cũng luôn xưng hô anh - em, chứ không bao giờ nói mày-tao, chưa bao giờ gọi tên nhau, chỉ gọi anh ơi và em ơi”, cho thấy tình yêu giữa họ vô cùng thắm thiết. Cách xưng hô ấy khiến người đàn ông trong câu hỏi tin tưởng một cách tuyệt đối rằng chỉ có thể yêu nhau đến nhường nào người phụ nữ của anh mới có thể xưng hô với anh như thế, để rồi ngỡ ngàng không muốn tin cô gái ấy đành đoạn bỏ anh sau ngần ấy trìu mến, yêu thương.

Trong nhiều “bí kíp” dạy làm vợ, làm mẹ, dạy phụ nữ cách gìn giữ hạnh phúc gia đình, ít thấy sách vở nào chỉ cách xưng hô, nói năng ngọt ngào với chồng. Mặc dù vậy, những phụ nữ khôn ngoan luôn thuộc nằm lòng câu mà người xưa từng dạy: “Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Người ta bảo “phụ nữ yêu bằng tai”, trong khi đó, đàn ông lại “hảo ngọt”. Có lẽ vì vậy mà cách xưng hô giữa vợ chồng dẫu không phải yếu tố quyết định hạnh phúc gia đình nhưng lại là chất keo gắn kết, góp phần gìn giữ hạnh phúc ấy bền lâu.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn