MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Những ông chồng không chịu... lớn

Đỗ Thu Vân LDO | 08/04/2017 12:57
Tôi có cô bạn có anh chồng rất lạ. Mỗi khi cả hai cùng đi đâu đó (nhất là đi chơi với bạn bè) thì không sao nhưng khi cô đi một mình là y rằng anh kiếm chuyện. Nếu không kiếm cớ gây gổ trước khi đi để bạn huỷ cuộc hẹn với bạn bè hay với ai đó bên ngoài (ngay cả khi vì công việc), anh cũng tìm cách gì đó khiến bạn mất vui khi không có anh ta đi cùng. Bạn bảo, biết tính chồng vậy nhưng không thể lúc nào, đi đâu cũng cặp kè bên nhau được vì có những cuộc gặp gỡ mà cứ dính nhau như sam chỉ khiến người khác thấy khó chịu, đôi khi bất tiện hoặc không phù hợp.

Thế nên, có những lúc đi với bạn mà thấy bạn cứ trả lời tin nhắn, cuộc gọi của chồng suốt. Nếu không phải để hỏi bạn khi nào về, đang ở đâu, với ai thì là cuộc gọi của mấy đứa con (do anh chồng “đạo diễn”) hỏi mẹ những câu tương tự. Vậy nhưng chỉ cần thấy bạn về là chồng bạn lại vui như hội. Tôi không nghĩ chồng bạn ghen bởi khách quan mà nói, nhan sắc của bạn chỉ tầm trung bình, tính bạn lại nghiêm túc. Bạn bảo chưa từng dính “phốt” gì để bị chồng “canh me” nghiêm ngặt vậy. Khổ nỗi, “quản thúc” vợ dường như là cái “bệnh” ăn sâu vào máu ông chồng nên hở ra là anh ta như phát cuồng phát dại, cứ như sắp mất vợ đến nơi. Bạn kể, dù chẳng hề tơ hào đến ai khác, nhưng nhiều lúc bức bối đến độ muốn tung hê một phen cho xong, vì thấy phiền toái như thể vợ chồng là “cục nợ” của nhau thì ít, mà khó chịu vì cảm giác không được tôn trọng thì nhiều. Chồng bạn đang “giữ” vợ theo cách người ta chăm một đứa trẻ, nhưng quên mất mình cũng đang là một đứa trẻ con trong mắt vợ. Có lẽ anh ta không hiểu một điều đơn giản nhưng cần thiết rằng, đôi khi vợ chồng cũng nên có những khoảng - cách - có - giới - hạn để có thể khắng khít với nhau hơn.

Một cô bạn khác kể, chồng bạn rất ghét vào bếp và mặc nhiên xem đó là bổn-phận-sự của đàn bà nên thuyết phục thế nào, anh vẫn không chịu tập nấu vài món đơn giản để có thể thay vợ khi ốm đau, bận rộn. Anh bảo, bận thì ăn tiệm, chẳng việc gì phải vào bếp cho mất thể diện đàn ông. Thỉnh thoảng, bạn công tác xa, để bảo toàn thể diện đàn ông của mình, chồng bạn dắt con đi ăn tiệm. Khổ nỗi, ăn ngoài thì tốn kém, vả lại ăn cả tuần cũng ngán nên mấy ngày sau anh cứ mua ba hộp cơm về cho xong bữa. Ngày bạn về, vẫn thấy trong thùng rác những hộp cơm dang dở mà theo cu con kể lại: “dở quá, tụi con nuốt không vô!” Bạn bực, không chỉ vì thói sĩ diện hão mà vì tính lười, chỉ thích được phục vụ chứ không thích động tay động chân của chồng. Bực hơn vì lương nhân viên bình thường như chồng chật vật lắm mới đủ xoay sở, nói gì thuê giúp việc hay hơi tí là kéo nhau ăn tiệm!

Anh chồng của cô em họ tôi thì khác. Gần bốn mươi mà làm gì cũng hỏi ý mẹ. Thậm chí, có lần muốn đổi việc, anh cũng hỏi ý mẹ xem thế nào. Lúc mới cưới, cô không khó chịu khi thấy anh tôn trọng mẹ mình. Dần dà, việc gì anh cũng hỏi mẹ khiến cô khó chịu thật sự. Vợ chồng bàn tính kỹ với nhau, tham khảo thông tin khắp nơi mới định mua lô đất nọ để dành, anh lại hỏi mẹ phong thủy chỗ ấy tốt không, có nên mua không. Xây nhà riêng, anh hỏi mẹ thiết kế có cần thêm bớt gì không. Cô khó chịu không chỉ vì căn nhà của hai vợ chồng dành dụm bấy lâu mới mua được với thiết kế theo sở thích riêng, nay mẹ chồng không ở chung nhưng lại đóng vai trò quyết định, điều làm cô thất vọng hơn là chồng mình, dù đóng vai trò trụ cột trong nhà nhưng vẫn chưa thể tự quyết định mọi việc.

Ai đó nói “đàn ông chỉ là đứa trẻ to xác”. Quả thực, so với những thói hư tật xấu khác ở cánh đàn ông, không thể cho những điều vừa kể trên là xấu, chỉ có thể cho đó là sự trẻ con, còn bao giờ các ông (như nói trên) có thể trưởng thành để hết (hoặc bớt) trẻ con thì thật khó nói khi các ông ít chịu nhìn nhận sự trẻ con của mình là một khuyết điểm để khắc phục! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn