MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ, chồng luôn chia sẻ cùng nhau về trách nhiệm đời sống, nuôi dạy con cái. Ảnh minh họa

Thân cò

Lê Thị Ngọc Vi LDO | 02/04/2018 15:59

Dạo sau này, mỗi khi rủ Hồng, cô bạn tôi cà phê cà pháo cho vui, Hồng thường tìm cớ thoái thác. Thấy lạ bởi trước kia Hồng luôn là người khởi xướng trong những cuộc vui bạn bè, tôi vặn hỏi thì Hồng cho biết, chồng bạn mất việc hơn hai tháng nay, không khí trong nhà kém vui nên Hồng không hứng thú hội hè bên ngoài. Cơ quan của chồng bạn đang cơ cấu lại tổ chức, chồng của Hồng rơi vào diện giảm biên chế, nằm nhà hơn hai tháng vẫn chưa tìm được việc mới.

Thực ra, lương của Hồng không phải tệ, cộng thêm khoản trợ cấp thôi việc không nhỏ theo chế độ giảm biên chế của chồng thì gia đình bạn cũng không đến nỗi túng thiếu trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, việc bỗng dưng thất nghiệp khiến chồng bạn trở nên bẳn gắt dù lúc bình thường anh khá vui tính. Thậm chí, thời gian đầu sau khi thôi việc, anh vẫn giấu vợ, mỗi sáng vẫn đóng bộ ra khỏi nhà đúng giờ như thể vẫn đang đi làm. Chỉ đến khi Hồng bất ngờ về nhà giữa trưa hôm nọ mới phát hiện. Điều khiến Hồng ngạc nhiên hơn cả là không hiểu sao chồng lại có thể giấu mình chuyện như vậy dù bạn chẳng đặt nặng chuyện thu nhập của chồng ít hay nhiều.

Từ lúc bí mật của mình bị “bật mí” bất đắc dĩ, chồng Hồng rất dễ khó chịu với những việc bạn làm, anh trở nên nhạy cảm và hay xét nét hơn. Hồng đi làm sớm hay về trễ hơn một tí, chồng cũng thắc mắc dù trước đó không hề như thế. Đi chợ về vô tình càm ràm hàng hóa dạo này mắc mỏ, chồng Hồng sẽ cạnh khóe ngay chuyện chồng bạn đang không làm ra tiền. Mấy bạn nữ hẹn hò gặp mặt, dắt chồng theo không tiện vì chỉ có anh là đàn ông, nhưng không đưa theo thì bị anh nói rằng chồng bây giờ bị xếp xó rồi, như thể thế gian này mỗi anh vô dụng, bất tài trong khi ngoài kia tất thảy đàn ông đều công thành danh toại. Nhiều lúc phải ở lại cơ quan vì nhiều việc, Hồng cũng ngại nhờ chồng bắc giùm nồi cơm hay ra chợ mua giúp vài món lặt vặt, vì lúc còn đang “tại chức”, chồng bạn từng có lần cho rằng đó là những “việc đàn bà”. Nên dù bận rộn trong khi chồng đang rảnh rang, Hồng vẫn cắn răng ôm hết chứ không muốn nhờ, ngại anh chạnh lòng rồi tự ái, suy diễn này nọ.

Gặp lại Dung, cô bạn cũ trong đám cưới một người bạn khi Dung đi một mình chứ không như mấy lần trước đi đâu cũng thấy vợ chồng bạn đi cả cặp, hỏi thăm mới biết chồng bạn thất nghiệp ở nhà cả năm nay chỉ vì bất mãn với sếp.

Sau nhiều lần xin việc ở nhiều nơi nhưng chưa được, chồng Dung đành chấp nhận công việc hiện tại là đưa đón con đi học mỗi ngày và giúp vợ làm việc nhà. Có người đỡ đần tay chân nhưng Dung cũng không vui. Cơm anh nấu nhão Dung không dám chê, nhà cửa bề bộn Dung chỉ lẳng lặng thu dọn, chén chồng rửa dơ thì Dung tự rửa lại chứ không dám nhắc vì bất cứ điều gì Dung nói ra lúc này cũng bị quy chụp là đang sai bảo chồng. Thậm chí, khi thằng bé con không chịu để anh dạy kèm buổi tối vì anh hay nóng nảy, la mắng cũng bị anh nói kháy, kiểu như “nhà này giờ chỉ mẹ là có quyền, ba thì hết thời rồi, nói ai nghe nữa huống gì con”.

Dung bảo, trước kia vợ chồng có hục hặc nói qua nói lại vài câu cũng là thường nhưng từ lúc anh thất nghiệp, cô nói gì, làm gì cũng phải ý tứ trước sau nếu không muốn bị cho là xem thường chồng, mà tự ái, sĩ diện đàn ông thì cao hơn núi.

Hiện nay, khái niệm “của chồng công vợ” trong các quy định của pháp luật đã xóa bỏ phần nào sự phân biệt trong việc đóng góp vào thu nhập chung của gia đình. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng thực ra vẫn tồn tại khiến cảnh đàn ông “ở nhà vợ nuôi” khó chịu hơn nhiều so với khi phụ nữ rơi vào cảnh “ở nhà chồng nuôi” do áp lực tâm lý “đàn ông phải là trụ cột trong gia đình”. Giá những ông chồng đừng mắc mang thêm tật ám thị, hẳn những “thân cò” sẽ đỡ gánh thêm nhiều nỗi cơ cực, nhọc nhằn bởi nỗi ám ảnh của các bà không hẳn là chuyện thu nhập mà là tính khí thất thường của các ông khi lỡ sa cơ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn