MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhộn nhịp chợ trung thu Hàng Mã (Hà Nội). Ảnh: Kỳ Anh

Trăng sáng như gương

Trần Đức Chính LDO | 18/09/2016 06:00
Rằm Trung thu năm nào cũng có những “tiết mục” dành cho trẻ em: Rước đèn, phá cỗ, chơi các trò dân gian truyền thống. Với người lớn thì ăn bánh dẻo, bánh nướng. Nhưng từ nhiều năm nay, các nhà kinh doanh đã hiện đại hóa một cái tết truyền thống thành tết thị trường.

Các gia đình không phải lo (hay bị tước quyền?) làm cỗ cho con cháu “phá”. Các hãng bánh đua nhau sáng tạo mẫu mã bán trước cả tháng. Đồ chơi cho trẻ em về mặt đại trà nhập từ Trung Quốc. Các ông bố ngày xưa vót nan phất giấy làm đèn cho con giờ chỉ cần móc ví là có tất. Lại có chuyện biến tết trẻ em thành tết các sếp. Cứ cho chuyện trong bánh có vàng những năm trước đây là có thật để biếu cấp trên, thì hôm nay chiếc nhẫn vàng, sợi dây chuyền là chuyện “con thỏ”. Xếp duyệt cho dự án “đúng quy trình” thì chúng em cũng biếu lại các anh món quà lớn hơn hộp bánh là vinh dự nhận phần “gửi vốn” để các anh chia lời.

Có tỉnh ở phía Nam, các sếp còn cho vay để làm nông thôn mới, vừa có thành tích vừa ôm tiền lãi. Có cảm tưởng rằng, giới truyền thông dịp này chủ yếu làm Trung thu chỉ khoanh lại việc đưa tin các vị lãnh đạo tặng quà, vui tết trăng với các em. Chưa thấy có ai nói cho các em nghe sự tích chú Cuội ra làm sao. Vì sao một gã “nói dối như Cuội” lại được đẩy lên cung trăng ngồi thổi sáo và vui vẻ với cô Hằng Nga. Thời chúng tôi còn bé hát vui nhạc chế bài “Các em thích cười, muốn lên cung trăng, thời bảo ông giời, cho mượn cái thang…”.

Dịp Trung thu này, Hà Nội đăng cai giải bóng đá U.19 Đông Nam Á. Có báo đăng: Vỡ sân Hàng Đẫy. Nghe tưởng vỡ vì fan Việt. Hóa ra sân cũ, vỡ thật. Nhiều khu vực phải rào lại và hạn chế bán vé. Trận nào có đội ta đá mà bán vé hết tầm thì sân không vỡ mà còn sập. Thể thao nước nhà gặp khó ngay từ khâu đầu tiên là tiền đâu mà xây dựng cơ sở tập luyện, thi đấu. Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia lại làm một chiếc nhà sàn Mường, chắc chắn chỉ để ngồi nhậu cho “đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trung thu này ở đồng bằng sông Cửu Long chắc các em kém vui vì năm nay lũ về chậm, ít nước, ít cá. Tất nhiên, ở các khu đô thị, nơi buôn bán làm ăn, bộ mặt cả tỉnh cả huyện vẫn vui. Nhưng ở vùng sông nước, đương nhiên cha mẹ kiếm được ít tiền thì tết của các em cũng “hẻo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn