MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Bố già" Perez đang đối diện với một cơn sóng nhỏ về tài chính trước mùa giải mới. Ảnh: AFP

"122 triệu Euro chi phí không minh bạch" và nỗi lo lớn của Real Madrid

VIỆT HÙNG LDO | 13/07/2023 15:51

Ban lãnh đạo Real Madrid đã phải trấn an các nhân viên và thành viên về khoản chi phí lên tới 122 triệu Euro không minh bạch, có thể khiến đội bóng này đối diện nhiều án phạt nặng.

Khi được hỏi về khoản 20% trong tổng chi phí (122 triệu Euro) tại sao không được liệt kê, Real Madrid đã từ chối trả lời. Theo điều tra của Telegraph, đã có khoảng 135 triệu Euro tiền thanh toán các chi phí của Real được chuyển vào mục "Khác". 122 triệu Euro trong số này không được kê khai cụ thể dùng để chi vào việc gì.

Real Madrid đang vướng cáo buộc đã sử dụng một phần hoặc toàn bộ chi phí để thanh toán cho một công ty tài chính của Mỹ (Provindence). Số tiền này được ví như một khoản bán trước thu nhập thương mại trong tương lai. Hoạt động này đã bắt đầu từ giai đoạn 2017 - 2018 đã mang lại cho Real Madrid nhiều tiền mặt để thanh khoản. Cứ thế, nó được gia hạn qua mỗi năm nhưng không rõ về tỉ lệ phần trăm trong đó được quy định như thế nào.

Giai đoạn 2019 - 2020, số tiền Real Madrid nhận được từ hình thức này được ghi vào mục doanh thu chứ không phải mục nợ trong báo cáo tài chính. Phía đội bóng Hoàng gia cũng chưa bao giờ có câu trả lời chính thức cho việc số tiền trả lại cho các đối tác thương mại tại Mỹ cụ thể như thế nào. Real chưa bị cáo buộc có những hoạt động tài chính bất hợp pháp nhưng chưa chắc, nó đã đúng với các quy tắc của UEFA.

Real Madrid vừa chiêu mộ thành công Jude Bellingham với giá 134 triệu Euro. Ảnh: AFP

Đang có những câu hỏi đặt ra, liệu các câu lạc bộ có được bán doanh thu trong tương lai dưới dạng thu nhập thay vì nợ hay không? Đây là điều đang tranh cãi bởi mô hình hoạt động của Man City dựa nhiều vào doanh thu được bơm qua các khoản lợi nhuận trong tương lai đến từ tập đoàn chủ quản.

Tại Tây Ban Nha, cơ quan thuế xác định loại doanh thu này là một thỏa thuận tài chính, tức là khoản nợ có tính thuế. Real mô tả đó là một “tài khoản tham gia”. Sau đó, trong kết quả báo cáo tài chính gần đây nhất, đó là một “thỏa thuận liên doanh không có tư cách pháp nhân”.

Theo điều tra của Telegraph, không có đội bóng lớn nào ở châu Âu có khoản chi tiêu "Khác" nhiều như Real Madrid. Trước khi đội bóng có thỏa thuận tài chính với Providence, Real buộc phải vay ngắn hạn để đáp ứng chi phí tiền lương trong các mùa giải 2014-2015, 2015-2016 và 2016-2017. Họ đã vay từ 72 - 82 triệu Euro mỗi năm trong 3 năm. Thế nhưng, kể từ khi thỏa thuận với Providence, những khoản vay ngắn hạn đó không còn cần thiết nữa.

Trong Deloitte Money League - chỉ số xếp hạng tiêu chuẩn, Real Madrid đứng thứ 2 tại châu Âu sau Manchester City về doanh thu, đạt mức 713,8 triệu euro. Ngân sách tiền lương cho các câu lạc bộ La Liga được quy định tính theo phần trăm doanh thu. UEFA đang hướng tới một mô hình tài chính tương tự, theo đó chi tiêu mới là thứ được tính theo phần trăm doanh thu.

Real Madrid đã tốn rất nhiều tiền vào các ngôi sao như Bale trong quá khứ nhưng đến khi muốn dứt cũng không được. Ảnh: AFP

Năm ngoái, ngân sách tài chính ngắn hạn của Madrid đã được hỗ trợ đáng kể với 360 triệu Euro từ việc bán 30% doanh thu trong 20 năm của sân Bernabeu đang được tu sửa. Đó là một thỏa thuận với nhà đầu tư Sixth Street (Mỹ) đã được Real kí kết thành hai đợt. Khoản thanh toán đầu tiên trị giá 316 triệu Euro cho mùa giải 2021-2022 đồng nghĩa với việc câu lạc bộ tránh được khoản lỗ khoảng 300 triệu Euro (255 triệu bảng).

44 triệu Euro cộng thêm sau đó được coi là lợi nhuận cho mùa giải 2022-2023. Thay vì được khấu trừ tại nguồn từ thu nhập, nó được chuyển cho các câu lạc bộ và sau đó được trả lại. Đây là một thỏa thuận giúp tối đa hóa số liệu doanh thu hàng đầu của các câu lạc bộ ngay cả khi tiền mặt không có sẵn trong các hoạt động kinh doanh.

Trong 5 năm qua, khoản chi tiêu "Khác" của Real Madrid đã tăng 800%. Đây là điều đáng phải đặt dấu hỏi lớn bởi doanh thu của câu lạc bộ chỉ được công bố tăng 6% trong cùng kì. Sau khi Real Madrid là đội tích cực nhất trong các tuyên bố phải điều tra tình hình tài chính của Barcelona, đến lượt họ đang nằm trong tầm ngắm của nhiều đối thủ và các cơ quan chức năng.

Sau khi mua thành công Jude Bellingham với giá 134 triệu Euro, Real Madrid mới chỉ có thêm Arda Guler và Joselu không đắt giá. Họ vẫn còn tiền để săn đón Kylian Mbappe nhưng nếu thương vụ này thành công (khoảng 200 triệu Euro), Real Madrid liệu có phải đối mặt với những đòn giáng nặng về tài chính và sẽ vỡ vụn như Barcelona hay không?

Arda Guler là tân binh mới nhất của Real Madrid. Ảnh: AFP

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn