MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Reuters.

Bản quyền truyền hình bóng đá trong dịch COVID-19: Cùng tắc biến

VIỆT HÙNG LDO | 05/04/2020 16:27
Tác động xấu của dịch COVID-19 đã làm nhiều Đài truyền hình lớn tại châu Âu lâm vào cảnh "rối như tơ vò" khi liên tục thua lỗ, chịu phạt hợp đồng với các doanh nghiệp quảng cáo.

Các Đài truyền hình ôm cục nợ lớn

Khi các giải đấu lớn, điển hình là Premier League bị hoãn vô thời hạn, những đơn vị phát sóng trực tiếp giải đấu như BT Sports hay Sky Sports lâm vào khủng hoảng.

Các đơn vị tài trợ hình ảnh, quảng cáo và nhà đài đã kí các thỏa thuận về phát sóng trận đấu, đính kèm quảng cáo vào từng khung giờ cố định. Dẫu biết dịch COVID-19 là tác nhân khách quan khiến mọi thứ bị đình trệ, thế nhưng các đối tác này không thể chờ mãi được. Họ cần phía nhà đài có câu trả lời sớm nhất rằng liệu đến bao giờ, hình ảnh của họ mới được đưa lên sóng truyền hình, bên cạnh các trận đấu.

Sự thông cảm chỉ có mức độ bởi trong kinh doanh với những hợp đồng hàng chục triệu USD, câu trả lời "đến bao giờ hết dịch" không được chấp nhận. Nếu các nhà đài đơn phương hủy hợp đồng phát sóng, số tiền đền bù sẽ quá sức chịu đựng.

Các trận đấu tại Anh bị hoãn vô thời hạn. Ảnh: REX.

Sự tham lam có cơ sở và bất đắc dĩ

Trong hợp đồng kí với Premier League, Sky Sports và BT Sports không mua quyền phát sóng hết số trận. Sky mua 128 trận còn BT chỉ là 52, tất nhiên ưu tiên những trận đấu lớn. 

Với tình hình Premier League bị hoãn như hiện tại, cả 2 đơn vị lớn này có đề xuất với Ban tổ chức giải rằng từ mùa tới, họ sẽ được phát nhiều trận hơn với số tiền mua bản quyền không đổi.

Điều này xuất phát từ mong muốn thu hồi lại những khán giả đã tạm hủy đăng ký dịch vụ của các nhà đài trong quãng thời gian "không có gì để xem". Tỉ lệ hủy đăng ký gói thuê bao của Sky Sports và BT Sports đã tăng đáng kể khi không còn bóng đá để phát sóng.

Premier League chưa thể trở lại. Ảnh: Getty.

Bên cạnh đó, dù bị đối tác quảng cáo bắt đền bù nhưng các nhà đài kể trên cũng biết cách "đá bóng" sang Ban tổ chức Premier League. Họ có thể không bắt Premier League đền tiền do giải bị hoãn, thay vào đó là quyền phát thêm nhiều trận ở mùa tới, coi như "có đi có lại" và tất cả cùng vui vẻ.

Để có thể đạt được quyền phát sóng nhiều trận hơn, các nhà đài và Ban tổ chức Premier League phải được sự chấp thuận của Ofcom (Văn phòng truyền thông Vương quốc Anh). Dù đôi bên thỏa thuận xong nhưng nếu Ofcom không đồng ý, mong muốn này cũng khó trở thành hiện thực.

Lý do bởi Ofcom được Chính phủ Anh giao vai trò điều tiết nội dung truyền thông, truyền hình, phát thanh cho tất cả các đơn vị thuộc lãnh thổ. Không loại trừ khả năng Ofcom sẽ lắc đầu bởi bóng đá chưa chắc đã được ưu tiên để tăng tần suất phát sóng, chiếm sóng các chương trình khác.

Ofcom. Ảnh: Sky News.

Những cái đầu biết... "nảy số"

FreeSports là một đài vệ tinh được ít người sử dụng tại Anh đang có những nước đi táo bạo và độc đáo thời COVID-19. Họ đã nhắm tới việc mua bản quyền giải vô địch... Trung Quốc để phát sóng trên lãnh thổ Anh.

Lý do bởi ở Anh hiện tại, xem bóng đá là điều không tưởng. Trong khi đó, giải Trung Quốc có thể là giải lớn đầu tiên trên thế giới trở lại bởi nước này đang kiểm soát rất tốt dịch COVID-19.

Đây là ý tưởng táo bạo và rất khả thi. Trong những ngày đầu khi Premier League bị hoãn và Chính phủ Anh chưa ban hành lệnh phong tỏa nhiều thành phố, các trận đấu của những giải hạng dưới cùng (từ hạng 5 đến 8) thu hút lượng người xem trực tiếp tăng mạnh. Ở hạng 5, số khán giả đến sân xem tăng 15,5%, ở hạng 8 con số này là 89,7% lượng cổ động viên. Điều này cho thấy người Anh rất ham mê bóng đá và sẵn sàng đến xem dù đó là bóng đá ở đẳng cấp nào.

Giải vô địch Trung Quốc CSL. Ảnh: REX.

Hay như ở Belarus, đất nước hiếm hoi vẫn cho tổ chức giải vô địch quốc gia. Belarus Premier League bỗng nhiên được quan tâm bởi chính người dân nước này và các đài truyền hình quốc gia khác.

Đã có những đơn vị từ Nga, Ukraina, Israel, Ấn Độ... mua bản quyền Belarus Premier League về để phát sóng. Trong lúc đại dịch và cách ly trở thành vấn đề chiếm sóng gần như toàn bộ nội dung truyền hình, một vài trận bóng đá chuyên nghiệp tại châu Âu sẽ là thứ hàng xa xỉ.

Biết đâu đấy, trái với các giải lớn và kim tiền, Belarus Premier League lại kiếm một món kha khá... nhờ COVID-19?

Giải vô địch Belarus vẫn diễn ra. Ảnh: Getty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn