MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Goal.

Barca giảm 70% lương: Có một con virus đáng sợ tại sân Nou Camp

VIỆT HÙNG LDO | 27/03/2020 06:49

Virus SARS-CoV-2 đang hoành hành tại Tây Ban Nha và là lý do có một "virus nội chiến" đang xảy ra tại Barca, nơi những biểu tượng của đội bóng đang thực hiện “chiến tranh lạnh”.

Hàng loạt giải đấu, dự án quảng cáo và hoạt động tài chính bị đóng băng do dịch COVID-19, Barcelona và hàng ngàn đội bóng khác trên toàn châu Âu đang sống "thoi thóp" qua đợt dịch này. Quy mô đội bóng càng lớn, mức ảnh hưởng càng nghiêm trọng. Barca là một trong những đội phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

Sáng 26.3 (giờ địa phương), ban lãnh đạo Barcelona đã họp và ra nhiều quyết định quan trọng để lèo lái đội bóng vượt qua cơn khủng hoảng này. Theo đó, rất nhiều nhân viên đã được cho nghỉ tạm thời và chỉ nhận một phần hoặc không có lương. Cùng với đó, các cầu thủ của đội bóng đá cũng đang được yêu cầu phải cắt tới 70% lương.

Ai có mức lương càng lớn, con số bị giảm trừ này càng nặng nề, điển hình như Lionel Messi. Chỉ tính riêng lương trước thuế, M10 nhận 500.000 bảng/tuần. Nếu bị cắt 70%, con số này chỉ còn 150.000 bảng/tuần.

Bên cạnh đó, những ngôi sao lớn còn lại như Antoine Griezmann (294.000 bảng/tuần), Luis Suarez (290.000 bảng/tuần) và Gerrard Pique (220.000 bảng/tuần) cũng chịu thiệt hại không ít.

Messi nhận tới 500.000 bảng/tuần trước thuế. Ảnh: Getty.

Trên thực tế, quyết định giảm lương của các cầu thủ đã được ban lãnh đạo Barca nhắm đến từ tuần trước. Trong một cuộc họp trực tuyến, đề xuất này đã được xem xét giữa giới "chóp bu" với nhau mà không có sự tham gia của bất cứ cầu thủ nào. Đến hôm nay, khi "ván gần đóng thuyền", Messi và các đồng đội mới ngã ngửa vì bất ngờ và tất nhiên không tuân thủ.

Mục tiêu phá vỡ kỉ lục 1 tỉ Euro doanh thu của Barca đã bị dịch COVID-19 đánh bại. Mọi kế hoạch về tài chính tạm ngưng hoặc đổ bể. Khoản bán cầu thủ ước lượng khoảng 120 triệu euro cũng chưa được thực hiện bởi với tình hình này, thị trường chuyển nhượng sau mùa giải có thể phải bắt đầu từ tháng 9. Trong khi đó, các báo cáo tài chính từ đầu năm đã tính những khoản này vào trung tuần tháng 7.

Barca từng phải vay khoảng 35 triệu Euro để có thể mua được Griezmann với giá 120 triệu Euro. Hè này, khoản nợ đó đã đến ngày phải trả. Thế nhưng, khi không phát sinh doanh thu, đội chủ sân Nou Camp sẽ lấy tiền ở đâu?

Khi Suarez chấn thương nghỉ 4 tháng, Barca đã "cắn răng" không dám mua siêu sao nào để tránh thua lỗ. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ còn tệ hơn khi Suarez vẫn nghỉ đá còn đội bóng cũng nghỉ luôn vì dịch.

Đến lúc này, Barca mới thấm những gánh nặng khổng lồ về tiền với Ousmane Dembele và Philippe Coutinho. Họ không cống hiến được nhiều và lần lượt có giá 105 triệu và 120 triệu Euro, mỗi người còn thêm 40 triệu Euro phụ phí nữa. 

Hai “cục nợ” Dembele và Coutinho. Ảnh: Goal.

Khi trận lượt về vòng 1/8 Champions League tại sân nhà bị hoãn, Barca đã mất khoảng 6 triệu Euro. Khi phải đóng cửa sân, nguồn thu từ bảo tàng đội bóng (60 triệu Euro/năm) và các tiệm bán đồ lưu niệm (86 triệu Euro/năm) cũng không phát sinh doanh thu nữa. Nặng nhất là tiền quảng cáo gắn với bản quyền truyền hình. Các trận đấu bị hủy, đương nhiên ngày giờ phát sóng quảng cáo cũng lệch với hợp đồng. Barca là bên phải chịu khoản đền bù cho các đối tác hình ảnh.

Trở lại chuyện lương cho cầu thủ. Trong bối cảnh Messi là "đại ca" và quyết không chịu giảm lương, các cầu thủ khác đại đa số sẽ nghe theo. Trên thực tế, Barca không có quyền gì cắt lương của cầu thủ bởi hợp đồng đã ghi rõ con số từng tuần.

Chỉ còn cách thuyết phục nhưng với những người nhận hàng trăm ngàn bảng mỗi tuần, thuyết phục họ ra sao khi giờ đây, mức lương của họ chỉ bằng với các cầu thủ tầm trung? Bên cạnh đó, biết đến bao giờ đại dịch mới kết thúc để họ nhận được đúng những gì ghi trên hợp đồng?

Ảnh: Getty.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn