MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuần không bóng đá ở Camp Nou nhưng bên trong Barcelona không hề bình yên. Ảnh: AS

Barcelona không thiếu “chuyện cười ra nước mắt”

TAM NGUYÊN LDO | 09/10/2021 10:44

Một tuần tưởng như được bình yên thì hóa ra Barcelona vẫn đầy chuyện cười ra nước mắt…

Trong tuần này, ngoài những cầu thủ tập trung đội tuyển quốc gia, huấn luyện viên Ronald Koeman cho các thành viên còn lại nghỉ 4 ngày rưỡi sau trận thua Atletico Madrid. Nhưng ở Barcelona cũng đâu có yên bình.

Ký hợp đồng với Griezmann mà không có tiền

Những câu chuyện về Antoine Griezmann đã trở nên quá quen thuộc nhưng “trong kho” còn rất nhiều. Tiết lộ mới nhất của Tổng giám đốc Ferran Reverter, bộ sậu của cựu Chủ tịch Josep Maria Bartomeu thực sự có vấn đề trong quản lý và đầu tư nhân sự.

Mua Antoine Griezmann lúc không có tiền và đã phải đầu tư nhiều hơn thực tế vào bản hợp đồng thất vọng. Ảnh: AS

Khi Barca quyết định kích hoạt điều khoản giải phóng 120 triệu Euro, phía Atletico Madrid gây sức ép ngược khi đòi nhận tiền mặt. Thông thường, các đội có thể đàm phán thanh toán theo từng đợt, nhưng trong trường hợp này, Atletico vốn đã bực sẵn với cách Barca chèo kéo người của mình, không đàm phán điều đó.

Chấp nhận điều đó nhưng khi nhìn lại ngân quỹ trống trơn, Bartomeu phải chạy vạy đi vay. Ông cần đến 2 khoản vay tín dụng mới đảm bảo 120 triệu Euro, một là khoản vay 35 triệu Euro từ ngân hàng, được hoàn trả trong vòng 6 tháng. Và khoản 85 triệu Euro thông qua quỹ trợ cấp.

Do đó, Barca đã phải đầu tư số tiền lớn hơn vào cầu thủ mà sự kỳ vọng về chuyên môn đổi lại bằng thất vọng. Còn có tiết lộ khác về số tiền 15 triệu Euro mà Barca và Atletico đã thỏa thuận sau đó để tránh những rắc rối với FIFA.

Căng thẳng nội bộ, những “trách móc” trả về Camp Nou

Dù đang nghỉ nhưng chuyện nội bộ lại bung bét trên truyền thông. Nhân vật chính là Gerard Pique, với chuyện các đội trưởng khác không hài lòng về anh. Số là sau khi đồng ý giảm lương, Pique nói “các đội trưởng còn lại cũng chuẩn bị giảm lương”, khiến họ chịu áp lực và phải làm theo.

Gerard Pique (trái) đang là nhân vật gây mâu thuẫn trong nội bộ. Ảnh: La Liga

Ngoài ra, nhiều cầu thủ khác không hài lòng với Pique do anh mải quan tâm đến hoạt động tài chính và cá nhân hơn đội bóng. Chưa hết, cả Koeman cũng “ghét thái độ” của trung vệ Tây Ban Nha vì bảo vệ cầu thủ trẻ Riqui Puig và to tát hơn là “quan hệ thân cận với Chủ tịch Joan Laporta”.

“Luật im lặng” bên trong, công kích từ bên ngoài

Trở lại với Koeman, truyền thông Tây Ban Nha cho rằng, ông đã bị Laporta “cấm phát đi thông điệp ngoài chuyện chuyên môn” sau khi xảy ra vụ đấu khẩu trên truyền thông giữa 2 người. Koeman “ngoan ngoãn” nghe lời, khi đổi lại, Laporta vẫn tạm giữ niềm tin vào ông, dù Barca thua 0-2 trước Atletico.

Đó là trận đấu mà Luis Suarez ghi 1 trong 2 bàn thắng và anh có những biểu thị hành động kiểu như “nghe điện thoại”. Dù giải thích về ý nghĩa khác, mấy ai tin rằng Suarez không hướng sự chỉ trích tới người đã hắt hủi anh. Trong ngày hôm qua, chính chân sút người Uruguay chia sẻ rằng, Koeman chỉ cần 40 giây – không phải 4 phút như tin đồn, để nói chuyện điện thoại thông báo anh không có trong kế hoạch.

Luis Suarez có hành động mỉa mai Ronald Koeman. Ảnh: Marca

Cũng “hận” Koeman không kém, Miralem Pjianic từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng “tiếp sức” với nhận định, “Barca cần một huấn luyện viên giỏi mới thoát khỏi khó khăn hiện tại”.

Sự trớ trêu và tính hài hước

Như để minh chứng cho điều Pjanic nói, vào thứ Tư, đội tuyển Tây Ban Nha giành chiến thắng 2-1 trước Italia trong màn trình diễn đặc biệt ấn tượng của Sergio Busquets và cầu thủ mới 17 tuổi, Pablo Gavi. Họ hòa với đồng đội ở đội tuyển, thi đấu chẳng có vẻ gì là cầu thủ mà chỉ số kinh nghiệm quốc tế vẫn bằng 0, trái ngược với ở Barca, nơi có những nhân tố mà Ban lãnh đạo cũ mua về, những cái tên mới theo ý tưởng của Koeman… khiến Barca như “hồn lìa khỏi xác” vậy…

Và cuối cùng, trong chia sẻ mới nhất, Laporta nói rằng, “từ tận đáy lòng, tôi đã hy vọng Lionel Messi sẽ đề nghị ở lại Barca mà không nhận lương”… Đó là lý do người ta đã ví Barca của những năm qua là “một sân khấu hài” và nhiều người ở đó là “những nghệ sĩ đại tài”…

Những "gạch đầu dòng" đáng buồn

Doanh thu 631 triệu Euro (mùa trước 855 triệu Euro)

Chi phí vận hành: -1,136 tỉ Euro

Lỗ sau thuế: 481 triệu Euro

Không có tiền trả cho nhân viên đến ngày 21.4.

Sân Camp Nou không thể mở cửa đón CĐV vì an toàn dịch tễ.

Thực hiện các thương vụ trao đổi Neto-Cillessen và Pjanic-Arthur để cứu vãn tình hình tài chính.

Quỹ lương tăng từ 419 triệu Euro năm 2017 lên 759 triệu Euro năm 2020.

Có 4 cầu thủ trong đội mà tổng lương của họ còn nhiều hơn quỹ lương Juventus.

Mức lương cao hơn thị trường từ 30-50%.

Hoa hồng dành cho người đại diện thường là 5-10%, nhưng Barcelona trả 20-30%.

Nợ tăng 514 triệu Euro trong 4 năm qua. Tổng nợ: 1,371 tỉ Euro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn