MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các huấn luyện viên ở những đội bóng hàng đầu luôn phải chịu sức ép khổng lồ. Đồ họa: Lê Vinh

Bayern, Chelsea: Thay huấn luyện viên liệu có phải cách giải quyết tốt nhất

TAM NGUYÊN LDO | 07/04/2023 10:09

Các huấn luyện viên luôn là “nạn nhân” đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đội bóng có kết quả không tốt…

Bóng đá Châu Âu đang quay cuồng trong câu chuyện về các huấn luyện viên. Có thể chưa phải là “hiệu ứng domino” nhưng hàng loạt đội bóng chia tay “thuyền trưởng” đã đặt ra một câu hỏi: “Vì sao các huấn luyện viên luôn là người phải giơ đầu chịu báng?”.

Như người ta vẫn hiểu, huấn luyện viên là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả của đội bóng. Vì thế, khi đội bóng có kết quả không tốt - ở đây được hiểu là một thời gian đủ dài để cắt đứt sợi dây kiên nhẫn - họ phải nhận trát sa thải là dễ hiểu.

Nhưng vấn đề ở chỗ, vẫn phải có những người khác, ở các vị trí khác, cùng phải chịu trách nhiệm về thành tích của đội. Ban lãnh đạo, các cầu thủ, liệu có nằm ngoài vấn đề trách nhiệm?

Có, chắc chắn là có. Nhưng để giải quyết ngay lập tức vấn đề, chỉ có “trảm” huấn luyện viên là điều dễ làm nhất. Có điều, không phải lúc nào việc chọn cách sa thải cũng đúng.

Có những điều rất khó hiểu, rất khó để giải thích. Nhưng đó mới chính là bóng đá, môn thể thao khiến những người đam mê không thể từ bỏ. Cụ thể nhất, là người hâm mộ của các câu lạc bộ. Khi đã yêu, họ không quay lưng…

Vấn đề là, khi tình yêu càng lớn, sự kì vọng cũng lớn theo, đặc biệt ở các đội bóng lớn. Đồng nghĩa với việc, sức ép cho các huấn luyện viên lớn ở mức độ tương đương.

Sẽ không nói đến chuyện đội bóng và huấn luyện viên “chọn nhầm nhau” ngay từ đầu - nhưng hậu quả chỉ đến sau một thời gian đi cùng nhau, mà ở đây, câu chuyện là hậu quả đến với huấn luyện viên với những thay đổi khó tin, khó hiểu.

Không hiếm chuyện một huấn luyện viên mới đến để thay thế người bị sa thải (với lý do không quản trị được đội bóng dẫn đến mâu thuẫn nội bộ), đưa đội bóng đến với thành tích nhất định. Sau đó một thời gian, họ cũng bị sa thải, với một lý do tương tự.

Vậy thì, vấn đề phải nằm ở các cầu thủ mới đúng. Nói cách khác, khi quyền lực đang được trao cho các ngôi sao ngày một nhiều, họ biết cách sử dụng nó. Mâu thuẫn nội bộ, mối quan hệ rạn nứt, không chịu được sự hà khắc về kỉ luật, những đòi hỏi khắt khe… tất cả dẫn đến cái kết “huấn luyện viên là người chịu hậu quả”.

Đương nhiên, khi cả mùa giải chỉ có 2 thời điểm thị trường chuyển nhượng mở cửa, việc bán, cho mượn hoặc chấm dứt hợp đồng với cầu thủ là điều không dễ dàng. Ngược lại, sa thải huấn luyện viên lúc nào cũng được.

Nhưng liệu có trùng hợp hay không khi người ta đã thấy câu chuyện này xảy ra cùng lúc ở Bayern Munich, Chelsea và Tottenham?

Julian Nagelsmann, Graham Potter, Antonio Conte, về cơ bản, đều không được lòng cầu thủ, cổ động viên, ban lãnh đạo. Nhưng có nhiều điều hơn thế chứ không chỉ là phong độ hiện tại của câu lạc bộ. Đó cũng là mùa giải tới, và tương lai…

Có một quan điểm ngày càng tăng trong nhiều người là nếu bạn không hoàn thành kế hoạch mùa hè của mình vào đầu tháng 4, bạn sẽ bị tụt hậu rất nhiều. Nó có thể quyết định cả một chiến dịch. Nghĩa là, họ đã thấy Nagelsmann, Potter và Conte không thể giúp đội bóng của mình cải thiện tình hình ở mùa giải sau.

Nên sớm chia tay là cách tốt nhất…

Một động thái sai lầm, không đúng thời điểm có thể khiến một câu lạc bộ bị vắt kiệt sức lực, cũng như niềm tin vào một huấn luyện viên không phù hợp.

Đó là lý do tại sao cảm giác bấp bênh xuất hiện ở Spurs. Tuần trước, có vẻ như họ gần như phải lựa chọn giữa Julian Nagelsmann và Mauricio Pochettino. Điều đó đã thay đổi sau ngày Chủ nhật, và giờ họ đang phải đối mặt với khả năng một người đến Real Madrid và người kia đến Chelsea

Nhắc đến Real Madrid, hiếm có huấn luyện viên nào trong bóng đá hiện đại chọn cách ra đi chủ động như Zinedine Zidane. Ông quản trị đội bóng có tốt không? Không chắc, nếu đứng ở các góc nhìn khác nhau.

Nhưng vì Zizou giành được thành tích đặc biệt, ông có quyền chọn cách “trảm” những ngôi sao không cần thiết (như Gareth Bale và Eden Hazard). Nếu câu lạc bộ không tìm được cách giải quyết, đó là lỗi ở họ, không phải huấn luyện viên.

Nhưng thật không may, không phải ai cũng được như Zidane. Nên hàng tuần, hàng tháng, mỗi huấn luyện viên đều có nguy cơ “bước lên máy chém”…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn