MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

BREXIT bắt đầu diễn ra và nguy cơ "ra đường" của Ole Solskjaer

VIỆT HÙNG LDO | 11/02/2021 10:53
Man United cũng như Ole Solskjaer đang phải tìm cách tháo gỡ các quy định của Chính phủ Anh nếu không muốn sau BREXIT, họ không còn được làm việc cùng nhau.

Trong các văn bản hướng dẫn việc nhập cư và làm việc tại Anh được Bộ nội vụ nước này phê duyệt vào tháng trước, 2 huấn luyện viên là Ole Solskjaer (Manchester United) và Marcelo Bielsa (Leeds United) có thể không còn được làm việc tại Anh do chưa đủ điều kiện, tính thời điểm họ kí hợp đồng với các đội bóng hiện tại. Không chỉ có Solsa và Bielsa, hàng chục huấn luyện khác tại Anh cũng đang rơi vào cảnh tương tự.

Các quy định mới của Liên đoàn bóng đá Anh (FA) hậu BREXIT sẽ quyết định việc một huấn luyện viên có đáp ứng đủ yêu cầu của Cơ quan quản lý chứng thực (GBE) hay không, vốn được cho là giấy phép hành nghề kiểu mới tại xứ sở sương mù đối với người ngoại quốc.

Theo quy định mới, các huấn luyện viên phải làm việc chính thức ở những giải đấu hàng đầu trong 2 năm liên tiếp hoặc 3 năm trước thời điểm BREXIT. Qua đó, họ mới có thể nhận được chứng thực từ GBE. Như trường hợp của Ole Solskjaer, ông đảm nhiệm cương vị tại M.U vào tháng 12.2018.

Ole đến M.U vào tháng 12 nhưng bước đầu là huấn luyện viên tạm quyền chứ chưa được kí chính thức với "Quỷ đỏ". Phải đến cuối tháng 3.2019, ông mới được bổ nhiệm chính thức. Theo lý thuyết, ông chưa đủ 2 năm liên tiếp công tác ở vị trí huấn luyện viên trưởng của đội chủ sân Old Trafford.

Nếu không muốn tìm cách để đáp ứng điều kiện về thời gian, các huấn luyện viên phải chứng minh được đẳng cấp của mình. Quy định của FA nêu rõ, các huấn luyện viên muốn được làm việc tại những giải lớn của Anh sau BREXIT nếu không đủ 2-3 năm, họ phải nắm những đội nằm trong bảng xếp hạng Top 50 được FIFA công bố trong 5 năm liên tiếp, trước thời điểm đăng ký với GBE.

Các quy định này chỉ áp dụng với những người chuyển đến Anh từ nước ngoài trước thời điểm bị áp dụng luật của BREXIT. Một trường hợp khác là Mikel Arteta (quốc tịch Tây Ban Nha) lại không gặp vấn đề gì. Lý do bởi Arteta đã ở Anh quá lâu khi còn làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Man City. Sau đó, ông mới chuyển sang nắm Arsenal.

Không chỉ các huấn luyện viên nước ngoài gặp rắc rối, các trợ lý của họ cũng vướng phải những vấn đề tương tự. Thông thường, khi một huấn luyện viên đảm nhiệm cương vị tại đội bóng mới, họ sẽ đem theo các trợ lý thân tín. Nếu huấn luyện viên không làm việc ở những giải đấu cấp cao nhất trong bộ quy định của FA, những người trợ lý cũng không được theo chân họ đến Anh.

Dù bộ quy định của FA khắc nghiệt là vậy nhưng các bên vẫn có quyền khiếu nại và "xem xét nới lỏng" cho nhau. Điều này sẽ được quyết định ở một phiên thảo luận giữa 3 bên gồm FA, phía người lao động và chủ trì, tương tự như các phiên xét xử liên quan tới luật pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn