MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Getty.

Các công ty, "cò" bóng đá và cơn cùng quẫn trong đại dịch COVID-19

VIỆT HÙNG LDO | 24/03/2020 11:17

Không chỉ huấn luyện viên, cầu thủ, nhân viên phục vụ và các bộ phận của đội bóng mà các nhà môi giới cũng lao đao khi chịu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến hệ thống các giải bóng đá lớn ở châu Âu tạm hoãn vô thời hạn. Những thiệt hại về kinh tế bắt đầu xuất hiện với các đội bóng, sân không bán được vé, cầu thủ vẫn nhận lương, nhân viên trong hệ thống bị đình trệ việc làm...

Các câu lạc bộ là vậy, những tay môi giới cầu thủ và các công ty của họ cũng chẳng khá hơn. Hoạt động bóng đá bị đình trệ, việc "săn mồi" của các tay "cò" bị hạn chế. Bên cạnh đó, những giao kèo về thời gian trên mỗi hợp đồng có thể biến thành những khoản nợ lớn.

Với nhiều công ty quản lý hình ảnh cho cầu thủ, yêu cầu về thanh toán các khoản trong hợp đồng đã bị chậm tiến độ từ tháng 1 vừa qua. Với diễn biến phức tạp của bệnh dịch lúc này, chưa biết chừng các khoản chuyển nhượng sẽ bị đóng băng tới hết tháng 6. Thông thường, đó là giai đoạn nhộn nhịp nhất với các công ty môi giới và người đại diện.

Bruno Fernandes mới kí với Manchester United. Ảnh: Getty.

Trong nhiều giao dịch với các đội bóng lớn, các công ty đại diện cỡ nhỏ hoặc những tay môi giới không nổi tiếng thường không được "nắm đằng chuôi". Có nhiều trường hợp, họ phải ứng tiền cho câu lạc bộ để trả cho cầu thủ và các công ty làm hình ảnh, sau đó mới nhận lại.

Nhiều khoản đã phát sinh nhưng cầu thủ lại không được đá bóng do dịch COVID-19, dẫn đến chuyện nợ đọng trong nhiều tháng. Cầu thủ là người trung gian để các công ty môi giới đàm phán với đội bóng. Họ là người nghiễm nhiên nhận được đầy đủ tiền ghi trong hợp đồng, còn số tiền đó do bên nào trả, họ không cần quan tâm.

Một đội bóng ở hạng Nhì Anh không thể có nổi 3.000 bảng để trả cho cầu thủ và công ty quản lý trong đợt dịch này. Do đó, công ty này đã phải xóa nợ để đôi bên tiếp tục gắn bó với nhau.

Những đơn vị đại diện khác cùng quy mô kiếm được khoảng 50.000 bảng/năm. Nếu tình hình tiếp tục như hiện tại, cuộc sống của họ giờ đây chẳng khác nào "đứng dưới những đám mây đen".

Takumi Minamino mới kí với Liverpool. Ảnh: Getty.

Ở chiều ngược lại, nhiều công ty đại diện cũng mong nhận được điều tương tự từ các đội bóng chủ quản của cầu thủ. Dòng tiền bị ngừng do các hoạt động bóng đá bị hoãn, nhiều công ty đã trả trước cho cầu thủ hàng trăm ngàn bảng Anh nhưng chưa biết bao giờ lấy lại được.

Khi mùa giải bóng đá châu Âu bị hoãn, nhiều cầu thủ chỉ còn hạn hợp đồng với các đội đến tháng 6 đang khiến mọi chuyện rối như tơ vò. Nếu giải kết thúc vào tháng 7, đương nhiên đội bóng phải trả thêm tiền lương. Nhưng khoản lương đó được tính như thế nào?

Một hợp đồng mới tất nhiên sẽ được kí nhưng không ai chịu kí 1-2 tháng cả. 6 tháng là thời gian tối thiểu và bỗng nhiên, các câu lạc bộ phải "nuôi báo cô" cầu thủ mình không còn dùng nữa trong nửa năm, gánh thêm nhiều khoản chi phí. Nếu công ty môi giới nào phải ứng tiền trong 1-2 tháng dư ra đó, gánh nặng cho họ cũng tương tự.

Premier League đang tạm hoãn. Ảnh: Independent.

Nợ đọng nhiều và chưa tìm ra hướng giải quyết, các công ty này có thể tiếp tục hoạt động hay không là điều không ai dám chắc. Những cái tên thuộc nhóm đầu như Wasserman Media Group, Stellar và Unique Sports Management... được dự đoán vẫn tồn tại nhưng theo kiểu "thoi thóp".

Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng ở châu Âu, nhiều đội bóng nhỏ ở Italia đã phải nộp đơn xin phá sản nhằm tránh rơi vào cảnh không thể chống đỡ các khoản phí. Đó chỉ là một trong nhiều thực tại đang xảy ra với bóng đá lục địa già lúc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn