MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Daily Mail.

Cắt giảm lương tại hạng Nhất Anh: "Nội chiến" có thể khiến mọi thứ sụp đổ

VIỆT HÙNG LDO | 11/04/2020 13:00
Các câu lạc bộ Premier League khó 1, các đội Championship khó 10 khi dịch COVID-19 kéo theo nhiều hệ lụy chưa từng thấy.

Cuộc trao đổi trực tuyến giữa EFL và PFA sáng ngày 10.4 chưa được thông tin, dù nội dung cơ bản bàn về tương lai của Championship (hạng Nhất Anh) và chuyện cắt giảm tiền lương cầu thủ.

Đứng trên phương diện bảo vệ cầu thủ, PFA không đồng ý với phương án EFL sẽ ra một mức cắt giảm tiền lương chung để áp dụng cho 24 đội.

Rooney dẫn đầu phong trào nói không với giảm lương. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, một vài kịch bản đã được vẽ ra, được dự đoán dựa trên tình hình thực tại của 24 đội và khó khăn chung của giải đấu.

Thứ nhất, một vài câu lạc bộ sẽ đồng ý với phương án EFL và PFA cùng ra một mức cắt giảm chung để áp dụng cho toàn giải, thay vì quyết định đến từ một phía. Điều này có thể trở thành hiện thực khi PFA vẫn có nhiều điều khoản để bảo vệ cầu thủ.

Thứ hai, các đội cố gắng trả lương hết tháng 4 sau đó tính tiếp, tùy cơ ứng biến.

Thứ ba, tất cả phải chung quan điểm rằng chống dịch là ưu tiên số 1. Dịch càng nhanh qua, giải đấu sẽ sớm trở lại và nguồn tiền sẽ dần khôi phục. Nếu ích kỉ, mọi đàm phán sẽ đổ vỡ.

Thứ tư, phải tính dần phương án tài chính cho việc các bản hợp đồng bị kéo dài thời gian đáo hạn. 3 ngày trước, FIFA cho phép các đội được kéo dài thời gian đáo hạn hợp đồng với những cầu thủ sẽ hết hạn vào tháng 6.2020, thời điểm mới là lúc mùa giải kết thúc. Tuy nhiên, FIFA cho phép là một chuyện, các đội có thực hiện hay không là chuyện khác.

Gần như mùa giải năm nay không thể kết thúc trong tháng 6, vậy mỗi tháng hợp đồng bị thêm vào sẽ mất bao nhiêu tiền để đội bóng trả cho cầu thủ. Hay thậm chí, liệu các cầu thủ có nhận được số tiền đó không?

Millwall đã dựa hoàn toàn với gói cứu trợ của Chính phủ. Ảnh: Getty.

Các vấn đề nêu trên chỉ là lý thuyết, điều lo nhất lúc này là nhiều đội bóng không biết lấy đâu ra lượng tiền lớn để vượt qua khó khăn. Tiền vé sân nhà là khoản rất lớn với đa phần đội chơi ở hạng Nhất, không có khoản này trong thời gian dịch bệnh, ngân quỹ các đội rơi vào tình trạng như bong bóng xà phòng.

Không loại trừ khả năng, sau khi cố trả đủ lương tháng 4, nhiều đội sẽ tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả.

Việc EFL và PFA đồng thuận 100% với nhau không bao giờ xảy ra. Có ý kiến cho rằng, phương án cắt 50% lương với các cầu thủ kiếm trên 6.000 bảng/tuần là hợp lý. Tuy nhiên, đề xuất này phải được sự đồng ý của cầu thủ ở 24 đội. Nếu nhóm này lắc đầu, các đội cố ép, chắc chắn kiện tụng sẽ xảy ra.

Cầu thủ của Leeds United và Birmingham City đã đồng ý chậm lương để cùng đội bóng vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, chậm không có nghĩa là không nhận hoặc bị cắt xén. Ngoài những đội có thiện chí như Leeds hay Birmingham, các đội khác đang cầu cạnh gói cứu trợ của Chính phủ Anh.

Birmingham liệu trụ được bao lâu? Ảnh: Getty.

Cũng như các đội Premier League, các cầu thủ được quyền tự do ra đi nếu câu lạc bộ vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, các ngôi sao Premier League có ra đi vẫn còn lựa chọn, cầu thủ hạng Nhất thì không. Họ chỉ có thể xuống cấp thấp hơn chứ không có cửa ngoi lên được Premier League.

Hiện các đội hạng Nhất mới nhận được 50 triệu bảng từ tiền "cứu trợ" của Ban tổ chức. Số tiền này quá ít để cứu vãn cả giải đấu. Từ giờ đến hết tháng 4, còn nhiều hệ quả chưa từng thấy nữa, có thể khiến một vài đội giải tán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn