MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chelsea của Todd Boehly đang thanh lọc mạnh tay trong hè này. Ảnh: The Athletic

Chelsea và Man City đã trở thành “ông vua” bán cầu thủ của Premier League ra sao?

VIỆT HÙNG LDO | 08/07/2023 18:34

Chelsea bán để cân bằng tài chính còn Man City bán để thanh lọc lực lượng, dù với lý do nào, hai đội đều đang cho thấy khả năng bán rất mát tay trên thị trường chuyển nhượng.

Trước khi Mason Mount chính thức khoác lên mình chiếc áo đấu của Man United, Chelsea đã thanh lý thành công Kalidou Koulibaly, Mateo Kovacic, Edouard Mendy, Kai Havertz và Ruben Loftus-Cheek. Nhân số rời Stamford Bridge dưới triều đại Mauricio Pochettino có thể sẽ dày hơn nếu Hakim Ziyech không trượt bài kiểm tra y tế ở Al-Nassr. Hiện tại, đang có thêm Christian Pulisic được liên hệ đến AC Milan với giá 20 triệu bảng.

Chelsea đang có khoản chi ròng (chưa bù đắp được lỗ) trong một thập kỉ qua lên tới 500 triệu bảng. Việc đẩy đi được Koulibaly và Mendy giúp con số này tạm giảm còn 440 triệu bảng. Tuy nhiên, sau khi Christopher Nkunku và Nicolas Jackson đến, nó có thể trở lại mức cũ. Điều này cho thấy The Blues chưa tìm ra cách giải quyết. Nếu tiếp tục thanh lý thành công Romelu Lukaku, Pierre-Emerick Aubameyang, Christian Pulisic, Callum Hudson-Odoi, Marc Cucurella, Ethan Ampadu và Ian Maatsen, con số chi ròng của Chelsea có thể giảm ngay lập tức về mốc 200 triệu bảng.

Mason Mount rời Chelsea để đến Man United với giá trị 60 triệu bảng. Ảnh: AFP

Việc đang tìm cách nhanh chóng bù đắp vào khoản chi ròng khiến Chelsea bán cầu thủ không cần quá đắn đo. Từ mùa giải 2013-2014 đến nay, The Blues đã chi hơn 1,1 tỉ bảng để mua cầu thủ. Có 4/7 mùa giải gần nhất, đội bóng thành London thu về được khoảng 100 triệu bảng/mùa tiền bán cầu thủ. Liverpool đã không làm được điều này từ mùa giải 2017-2018 còn Tottenham là từ mùa giải 2013-2014.

Mùa 2017-2018 vẫn là kỉ lục với Chelsea khi họ gia tăng chi tiêu ròng mạnh nhất. The Blues đón về cùng lúc Diego Costa, Nemanja Matic, Nathan Ake và Juan Cuadrado với mức lương 160 triệu bảng trong vòng một năm. Sau đó, những thương vụ như Eden Hazard sang Real Madrid mới giúp họ gỡ gạc phần nào.

Tại Premier League trong 5 năm qua, chỉ có Man City là đội tiến đến sát kỉ lục bán người và thu hồi vốn của Chelsea. Đặc biệt ở hai mùa chuyển nhượng trước, The Citizens đã không ngần ngại cho những cầu thủ được coi là nòng cốt rời sân Etihad như Raheem Sterling, Gabriel Jesus, Oleksandr Zinchenko và Ferran Torres. Nhóm ngôi sao này giúp Man City thu về khoảng 140 triệu bảng.

Man City thành công nhờ chiến lược mua bán cầu thủ khôn ngoan và dứt khoát. Ảnh: AFP

Đó là Chelsea và Man City, nhìn sang những đội còn lại trong Big Six mới thấy việc bán được cầu thủ vừa nhiều với giá vừa cao khó đến nhường nào. Trong 3 mùa giải đã qua, một đội bóng bất ổn về phong độ như Manchester United cũng chỉ thu được 60 triệu bảng từ tiền bán ngôi sao. Trong khi đó, Arsenal liên tục tận dụng nguồn cầu thủ trẻ và các ngôi sao không đắt giá, khó có thể bán đi với một mức lời lớn. Hè này, với việc Granit Xhaka, Thomas Partey, Kieran Tierney và Folarin Balogun có thể cùng rời Emirates, "Pháo thủ" mới hi vọng có thể cải thiện được tình hình.

Man United, Arsenal hay Tottenham trong những năm qua chỉ có thể trông vào việc gia tăng tiền bán cầu thủ nhờ vào một thương vụ lớn. Chelsea cũng từng để Hazard sang Real Madrid với giá 80 triệu bảng nhưng họ không chỉ trông vào tiền đạo người Bỉ. The Blues có thể phập phù về phong độ nhưng cách buôn bán trên thị trường chuyển nhượng, nhiều đội phải học theo.

Một điểm hay nữa của Chelsea, họ biết biến những cầu thủ không thật sự quan trọng của câu lạc bộ thành một món hàng có giá trị cao trên phiên chợ cầu thủ. Mason Mount và Kai Havertz đến Man United và Arsenal cùng với giá 60 triệu bảng là minh chứng rõ ràng nhất. Cặp đôi này không phải nhân tố quan trọng hàng đầu của Chelsea nhưng vẫn được các đối thủ lớn khác thèm muốn và sẵn sàng chi đậm.

Kai Havertz trong màu áo đại kình địch của Chelsea. Ảnh: Arsenal FC

Khi Chelsea không quá mặn mà với một cầu thủ trong đội 1, họ bán được rất nhanh để cắt lỗ. Với Man United, họ đầu tư rất nhiều vào Paul Pogba nhưng đến khi không dùng được tiền vệ người Pháp nữa, "Quỷ đỏ" đành để mất trắng vào tay Juventus. Gần đây, David de Gea có thể là trường hợp tiếp theo tương tự. Đó là sự khác biệt.

Ba năm qua, Man United có mức chi ròng là 472 triệu bảng, của Chelsea là 411 triệu bảng. Quay trở lại một thập kỉ trước, con số này còn chênh lệch rõ hơn là 1,06 tỉ bảng và 518 triệu bảng. Cùng thời gian, Chelsea kiếm về được khoảng 700 triệu bảng tiền bán cầu thủ còn M.U chỉ là 132 triệu bảng. Trên thực tế, đây là cách Chelsea phải làm nếu không họ sẽ không thể bù đắp vào khoản thâm hụt trong chi ròng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn