MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: The Sun

Chuyện giảm lương ở Premier League: Những ông chủ tham lam và "vật tế thần"

HOÀI MINH LDO | 07/04/2020 15:07

Khi giới chức Anh "chĩa mũi dùi" vào các cầu thủ, họ dường như để quên mất những ông chủ câu lạc bộ đầy tham lam và đang âm thầm hưởng lợi phía sau.

"Tại sao các cầu thủ đột nhiên trở thành "vật tế thần?"

Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của nền kinh tế tài chính Anh. Hôm 5.4, Liverpool đã trở thành  đội bóng thứ 5 tại Premier League dùng tiền trợ cấp của Chính phủ để trả 80% lương cho nhân viên. Trước đó, những đội như Tottenham, Newcastle, Norwich và Bournemouth cũng đã áp dụng gói hỗ trợ này để giảm thiểu gánh nặng tài chính.

Điều này cũng được cho là nguyên nhân lớn nhất khiến giới chức Anh chỉ trích, gây áp lực nhằm khiến các cầu thủ tình nguyện cắt giảm tiền lương.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thì dùng các y bác sĩ để làm gương, yêu cầu giới cầu thủ phải thể hiện được trách nhiệm của mình. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao - Julian Knight còn dọa sẽ dùng biện pháp thúc ép.

Ai cũng hiểu, tất cả chỉ nhằm một mục đích: Muốn cầu thủ giảm lương, qua đó để câu lạc bộ tự cân đối ngân sách và không dự dẫm vào tiền của Chính phủ. Thế nhưng, liệu họ đã chọn đúng mục tiêu để chỉ trích.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock. Ảnh: EPA 

Trong câu chuyện này, giới cầu thủ bị quy chụp dưới hình ảnh những ngôi sao triệu đô, lương cao và giàu có nhưng ích kỷ, vẫn nhận đều khoản lương khổng lồ dù không thi đấu.

Tuy nhiên, rất nhiều cầu thủ Premier League đã truyền đi thông điệp rất rõ ràng, họ sẵn sàng đỡ NHS - Dịch vụ y tế Quốc gia nhưng tiền phải đi đến đúng nơi cần thiết. Nhóm này khẳng định chỉ không muốn tiền của mình chảy vào túi các ông chủ giàu có.

Hôm 2.4, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) cũng đã ra thông cáo không chấp nhận giảm lương, bởi các câu lạc bộ đủ khả năng chi trả cho cả nhân viên và cầu thủ. Theo PFA, các đội bóng Premier League đã lợi dụng gói trợ cấp của Chính phủ và dùng giới cầu thủ như "bia đỡ đạn".

Trước làn sóng chỉ trích bản thân và các đồng nghiệp, cựu đội trưởng đội tuyển Anh - Wayne Rooney đã phản hồi rất tức giận: "Tôi không giống phần lớn cầu thủ. Tôi 34 tuổi và đã có sự nghiệp lâu dài cùng khối tài sản giá trị. Tôi ở vị thế có thể cho đi thứ gì đó mà không phải cầu thủ cũng làm được.

Nhưng rồi đột nhiên lại có thông báo yêu cầu phải cắt giảm 30% lương. Tại sao các cầu thủ đột nhiên trở thành vật tế thần?"

Rooney khẳng định cầu thủ đang là "vật tế thần". Ảnh: REX 

Rooney khẳng định, nhiều cầu thủ không dư dả và 30% là cả cuộc sống của gia đình người đó. "Gã Shrek" còn phân trần rõ, nghề cầu thủ có tuổi đời rất ngắn và không phải ai cũng tiết kiệm được một khoản cho tương lai, do đó những chỉ trích nhiều ngày qua nhằm vào họ là "đáng khinh bỉ".

Những ông chủ tham lam mới là người hưởng lợi

Nhắc lại việc 5 câu lạc bộ Premier League dùng tiền trợ cấp của Chính phủ để trả lương cho nhân viên, những Liverpool hay Tottenham đều là đội bóng lớn, tài chính dư dả. Những đội bóng này hoàn toàn có thể không "dựa hơi" Chính phủ, thế nhưng tại sao họ vẫn làm? Lý do vì sao và có phải đơn giản là tính toán?

Gói hỗ trợ của Chính phủ Anh trả giúp các doanh nghiệp 80% lương nhân viên với mức trần 2.500 bảng/tháng. Số tiền này được lấy từ tiền đóng thuế của người dân. Và đương nhiên, "giàu mà vẫn xin trợ cấp" thì phải chịu chỉ trích thậm tệ. Dư luận xã hội coi đây là việc "đáng xấu hổ", còn cựu cầu thủ Liverpool - Jaime Carragher cũng thất vọng với hành động của đội bóng cũ.

Jaime Carragher thất vọng với chủ tịch Liverpool - John Henry. Ảnh: Goal

Sau cuộc họp hôm 3.4, các câu lạc bộ Premier League đưa ra đề nghị thành lập quỹ 125 triệu bảng giúp các hạng đấu thấp và quyên góp 20 triệu bảng cho NHS. Tuy nhiên, PFA cũng nhanh chóng nhận ra, những gì cho đi chưa chắc nhiều hơn giới chủ nhận lại.

Nếu cầu thủ giảm 30% lương đồng loạt trên toàn giải đấu, số tiền tiết kiệm được lên tới 500 triệu bảng và đồng nghĩa với việc hao hụt 200 triệu bảng tiền thuế. Điều này rõ ràng không có lợi cho ngân sách Chính phủ và NHS.

Bởi vậy, những người như Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã chọn sai mục tiêu khi chỉ trích giới cầu thủ mà bỏ qua những ông chủ giàu có. Các cầu thủ không tự đề ra mức lương cho bản thân, đó là sự đàm phán giữa người lao động và các ông chủ.

Premier League có sức hấp dẫn nhờ dàn cầu thủ ngôi sao và các ông chủ hưởng lợi từ đó. Bây giờ, khi giải đấu khó khăn, những John Henry hay Daniel Levy lại "chơi kiểu chìa tay xin tiền", đó là mới là tham lam và tội lỗi.

Chủ tịch Tottenhma - Daniel Levy. Ảnh: RE

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn