MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nên tiếp tục than vãn về lịch thi đấu dày đặc ở Premier League?

VIỆT HÙNG LDO | 27/12/2021 13:25
Khi chơi trong một môi trường kim tiền như Premier League, mọi nhân tố bên trong phải chấp nhận luật đã định.

Mùa Xuân năm 2013, thời điểm 6 tháng trước khi Sir Alex Ferguson giải nghệ, ông đã được chào mời bằng một chuyến du đấu. Fergie xem xét rồi kí ngay lập tức, nhanh đến nỗi những người làm marketing cho chiến dịch đó cũng phải ngỡ ngàng.

Đó là chuyến du đấu Hè 2013 của M.U, được lĩnh xướng bởi David Moyes. "Quỷ đỏ" ngao du qua Bangkok (Thái Lan), Sydney (Australia) rồi một vài nơi ở Nhật Bản. Chuyến đi kéo dài trong 3 tuần, đem lại nhiều lợi ích kinh tế lớn cho Manchester United. Câu chuyện ấy không lạ và nó vẫn đến với những đội lớn trước khi đại dịch diễn ra.

Sau này, khi thói quen du đấu được hình thành, từ 2013 đến nay, các đội từ lớn đến nhỏ ở Anh chấp nhận cắt ngắn kì nghỉ Hè của cầu thủ để đi đá giao hữu khắp thế giới, trừ Châu Phi và một phần nào đó là Nam Mỹ.

Các cầu thủ kêu trời vì bị nghỉ ít hơn. Dù tính chất của các trận giao hữu không đặt nặng nhưng họ vẫn phải chạy trên sân, vẫn phải dốc bóng, truy cản và tìm cách ghi bàn để đánh bóng tên tuổi câu lạc bộ. Câu chuyện này vẫn diễn ra hàng năm tại Premier League, nó không phải vấn đề đến lúc này mới được lôi ra bàn tán.

Arsene Wenger từng là người phản đối kịch liệt trò du đấu vì nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thể lực của các cầu thủ. Thế nhưng cuối cùng, ông vẫn phải gật đầu vì chỉ còn cách đó, đội bóng mới kiếm được nhiều tiền hơn, thương hiệu được vươn xa hơn.

Câu chuyện trong quá khứ đó chỉ đúng một phần, nhưng là phần lớn với bối cảnh COVID-19 hiện tại ở Premier League. Các huấn luyện viên và cầu thủ chịu áp lực nặng về lịch thi đấu nhưng có phải đến tận bây giờ, điều đó mới diễn ra? Nó đến từ lâu rồi nhưng vì lý do gì, họ lại than vãn liên tục và gay gắt như thế? Vì COVID-19 hay vì những yếu tố nào khác?

Pep đã dọa về một cuộc đình công của các cầu thủ Man City. Rangnick đặt dấu hỏi về việc Carabao Cup có nên thực sự tồn tại? Smith còn đưa ra dẫn chứng một cầu thủ Norwich đang sốt nhưng vẫn đá trên sân. Ai cũng muốn tránh dịch nhưng nếu không đá và lại hoãn, ai sẽ chịu đựng cảnh tài chính bị tàn phá như năm ngoái? Đến lúc đó, các huấn luyện viên có than vãn muốn được chơi bóng càng nhanh, càng tốt hay không?

Từng có ý kiến rút số đội tham dự Premier League xuống còn 18 để giảm tải lịch thi đấu. Thế nhưng, bao nhiêu đội sẽ đồng ý khi mỗi suất lên hạng, chưa đá đã có hơn 100 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình? Nếu giải có 18 đội, mỗi câu lạc bộ sẽ bị ít đi 4 trận trong 1 mùa. Khi đó, ai sẽ trả số tiền bản quyền truyền hình bị thâm hụt đó? Muốn có tiền nhưng không muốn đá nhiều, đó là chuyện nghe rất hoang đường.

Bóng đá Anh và bóng đá Châu Âu nói chung đang thay đổi chóng mặt. Rodgers từng nói không biết gì về Europa Confernce League cho đến khi Leicester phải xuống chơi ở giải này. Trong tương lai, không loại trừ khả năng sẽ còn rất nhiều giải nữa được ra đời với quy mô phổ cập hơn để tính thương mại hóa được đẩy lên cao hơn.

Các cầu thủ được trả tiền để đá bóng, thậm chí mỗi trận thắng, mỗi chiến dịch tốt cũng có thêm tiền. Nếu từ chối và muốn nghỉ, họ có thể từ bỏ một số giải đấu theo cách rất...chuyên nghiệp như tung đội hình trẻ vào và rời giải.

Không ai cấm điều đó, cuộc chơi đã định, ai tham gia sẽ phải theo luật, bằng không có thể tự rời theo nhiều cách khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn